Thứ Sáu, ngày 25/04/2025 07:20 | HOTLINE : 0906.18.1357 | Email: bbt.giaothong360@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0906.18.1357
Tiêu điểm

Những nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của người Việt

Hải Đăng - 00:06 10/02/2024 GMT+7

Tết Nguyên Đán là ngày lễ quan trọng nhất trong văn hóa của người Việt Nam. Tết bắt đầu cho việc khởi đầu một năm mới với những điều tốt đẹp nhất, hy vọng một năm mới an lành, may mắn và thành công. Bởi vậy, trong ngày Tết cổ truyền có những phong tục tập quán đã được lưu giữ từ xa xưa cho đến tận bây giờ và dần trở thành nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

Cúng ông Công, ông Táo

Theo truyền thống, cứ vào ngày 23 tháng Chạp là ngày ông Công, ông Táo lên thiên đình để báo cáo mọi việc của gia chủ với Ngọc Hoàng. Vào ngày này, mọi người thường dọn dẹp nhà bếp sạch sẽ, làm một mâm cơm cúng để tiễn ông Công ông Táo về chầu trời. Đặc biệt, trong nghi lễ này không thể thiếu vàng mã và cá chép vàng được thả trong một chậu nước để ông Táo cưỡi về trời.

Sau lễ cúng, cá chép được mang đi phóng sinh, cũng có gia đình không dùng cá chép thật, họ sử dụng cá chép bằng giấy sau đó hóa cùng mũ áo.

Gói bánh chưng, bánh tét

Phong tục gói bánh chưng ở nước ta gắn với truyền thuyết từ thời Vua Hùng mang giá trị văn hóa truyền thống trường tồn với thời gian. Trải qua hàng ngàn năm, phong tục gói bánh chưng dâng cúng tổ tiên ngày Tết vẫn không hề mai một trong tâm thức mỗi người dân đất Việt.

Theo quan niệm xưa, chiếc bánh chưng Tết thể hiện trời đất giao hòa, nói lên ước mơ của người người, nhà nhà về một năm mới sung túc, an lành, hạnh phúc.

Phong tục gói bánh chưng ở nước ta gắn với truyền thuyết từ thời Vua Hùng.

Ở miền Nam thì có bánh tét hình trụ, miền Bắc thì có bánh chưng hình vuông. Tuy hình dáng có khác nhau nhưng nguyên liệu thì hoàn toàn giống nhau, tượng trưng cho nền văn hóa lúa nước lâu đời của người Việt. Bánh chưng làm từ những nguyên liệu gần gũi với đời sống người nông dân như gạo nếp, thịt lợn, đậu xanh, hành, hạt tiêu, lá dong, lạt giang...

Mâm ngũ quả

Vào ngày Tết Nguyên đán, trong mỗi gia đình đều có tục lệ không thể thiếu là bày mâm ngũ quả trên ban thờ gia tiên. Mâm ngũ quả thông thường gồm 5 loại quả với các màu sắc khác nhau tượng trưng cho quy luật âm dương ngũ hành là Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ.

Mỗi miền khác nhau thì trưng mâm ngũ quả với những loại quả khác nhau. Nhưng ý nghĩa chung của mâm ngũ quả là thể hiện lòng thành kính đối với trời đất, ông bà tổ tiên, đồng thời cầu mong một năm mới với nhiều may mắn, sung túc, tài lộc.

Tục lệ không thể thiếu là bày mâm ngũ quả trên ban thờ gia tiên.

Tảo mộ cuối năm

Tảo mộ hay còn được gọi là chạp mả, là việc dọn dẹp, sửa sang lại phần mộ của tổ tiên vào ngày trước Tết. Sau khi dọn dẹp sạch sẽ xong, con cháu sẽ đem hương hoa, lễ vật đến và thắp hương để mời tổ tiên về nhà ăn Tết cùng gia đình. Đây chính là dịp để gia đình, con cháu đoàn tụ, sum vầy và giãi bầy những tâm tư, tình cảm với những người đã khuất trong một năm vừa qua.

Tảo mộ còn có ý nghĩa thể hiện lòng hiếu kính, sự biết ơn của con cháu với ông bà, tổ tiên, nhắc nhở con cháu về đạo lý "chim có tổ, người có tông".

Chơi hoa dịp Tết

Hoa là thứ đồ không thể thiếu trong mỗi gia đình vào những ngày Tết, nó tượng trưng cho sự may mắn ngày Tết, hoa nở càng đẹp, càng thơm thì ngày Tết càng tràn đầy.

Ở miền Bắc, người ta thường chọn cành đào đỏ để cắm trên ban thờ hoặc cây đào, cây quất để trang trí trong nhà. Ở miền Trung và miền Nam thường sử dụng cành mai vàng. Tuy mỗi miền một màu sắc, một sắc hoa khác biệt nhưng nó đều tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc, thịnh vượng cho gia đình.

Ở miền Bắc, người ta thường chọn cành đào đỏ để cắm trên ban thờ.

Cúng tất niên

Bữa cơm tất niên thường là bữa cơm vào chiều 30 tết. Mọi gia đình đều chuẩn bị một mâm cơm để cúng tổ tiên, sau đó cả gia đình đoàn tụ quây quần bên mâm cơm cùng nhau ăn cơm nói chuyện, tâm sự để kết thúc một năm cũ và chào đón năm mới với những điều mới may mắn hơn.

Đón giao thừa

Đây là thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, là thời khắc thiêng liêng đất trời giao hòa. Đón giao thừa được diễn ra vào thời khắc cuối cùng của năm cũ, bởi vậy hoạt động còn mang ý nghĩa đem bỏ hết những điều xấu của năm cũ, đón những điều tốt đẹp của năm mới. Lễ cúng giao thừa phải được thực hiện ở ngoài trời.

Xin chữ đầu năm là nét đẹp văn hóa được lưu giữ từ lâu đời.

Hái lộc

Nét phong tục đẹp của người Việt trong dịp Tết đó chính là hái lộc. Hái lộc được thực hiện vào đêm giao thừa hoặc sáng sớm mùng một Tết mục đích là cầu may mắn, rước lộc vào nhà nhân dịp năm mới.

Xông đất đầu năm

Thời khắc giao thừa kết thúc, bước sang một năm mới, gia chủ thường chọn người bước vào nhà mình đầu tiên để xông đất. Đó là những người hợp tuổi với gia chủ, hiền lành, gia đình hạnh phúc, làm ăn phát đạt với mong muốn một năm mới mọi điều đều thuận lợi, tốt đẹp.

Tết Nguyên đán là dịp sum vầy của mỗi gia đình Việt.

Xuất hành

Vào ngày mùng 1 tháng Giêng, mọi người thường chọn hướng, chọn giờ và các phương tiện để ra khỏi nhà với mong muốn khi bước sang một năm mới tất cả đều thuận lợi, cả năm gặp điều tốt lành, không gặp điều xấu, điều không tốt.

Chúc Tết và lì xì đầu năm

Dịp Tết người Việt có phong tục đi chúc Tết họ hàng, bạn bè “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”. Vào dịp này mọi người đều dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất đồng thời không quên tặng cho những phong bao lì xì may mắn.

Phong bao lì xì ngày Tết tượng trương cho sự may mắn.

Đi lễ chùa đầu năm

Đi lễ chùa đầu năm được coi là một trong những nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt Nam. Đầu năm mọi người thường đi chùa với mong muốn cầu cho một năm mới may mắn, hạnh phúc.

Xin chữ đầu năm

Cứ vào dịp xuân đầu xuân năm mới mọi người lại rủ nhau đi xin chữ đầu xuân về treo trong nhà. Theo quan niệm dân gian, hoạt động xin và cho chữ là một việc làm mang nhiều ý nghĩa và giá trị văn hóa, thể hiện sự trọng chữ nghĩa trọng tri thức và cũng là mong muốn xin được con chữ lấy may mắn, cầu một năm tài lộc, phúc thọ đầy nhà.

Ngày nay, khi văn hóa thư pháp phát triển hiện đại, việc xin chữ và cho chữ phần nào đã dễ dàng hơn. Người xin chữ chỉ cần đến phố ông đồ để xin những con chữ sáng tạo bay bổng theo nhu cầu.