Thứ Ba, ngày 15/07/2025 19:55 | HOTLINE : 0906.18.1357 | Email: bbt.giaothong360@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0906.18.1357
Tiêu điểm

Xe ô tô đưa đón trẻ em mầm non, học sinh: Cần chuẩn hóa bộ nhận diện…!?

Nguyễn Tuấn - 09:43 28/05/2025 GMT+7

Theo quy định mới của Chính phủ, xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải được sơn màu vàng đậm phủ bên ngoài thân xe. Đồng thời, mặt trước và hai cạnh bên xe phía trên cửa sổ phải có biển báo dấu hiệu nhận biết là xe chuyên dùng chở trẻ em mầm non, học sinh.

Sau bài viết “Xin đừng chủ quan và cẩu thả với nhiệm vụ bảo đảm an toàn trên những chuyến xe đưa đón trẻ (!?)”, để tìm hiểu thêm về những biện pháp quản lý và giám sát của cơ quan chức năng đối với xe kinh doanh vận tải kết hợp kết hợp với hoạt động đưa đón trẻ em mầm non, học sinh, phóng viên Tạp chí Môi trường Giao thông đã liên hệ và làm việc với Sở Xây dựng Hà Nội.

Sở Xây dựng Hà Nội nói gì?

Hiện Nghị định số 151/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh đang áp dụng cho hai hình thức với 2 quy định bắt buộc khác nhau.

Trường hợp một, nhà trường tự đầu tư xe thì phải sơn màu vàng đậm phủ bên ngoài thân xe, mặt trước và hai cạnh bên xe phía trên cửa sổ phải có biển báo dấu hiệu nhận biết là xe chuyên dùng chở trẻ em mầm non, học sinh.

Hai là, nhà trường ký hợp đồng với các đơn vị kinh doanh vận tải để thuê xe đưa đón trẻ em mầm non, học sinh. Các xe này không bắt buộc phải sơn màu vàng đậm hai bên thân xe, mà chỉ cần có biển báo dấu hiệu nhận biết là xe chở trẻ em mầm non, học sinh đặt ở mặt trước và hai cạnh bên xe phía trên cửa sổ.

Xe ô tô đưa đón trẻ em mầm non, học sinh:  Cần chuẩn hóa bộ nhận diện…!?
Xe chở học sinh phải được trang bị hệ thống cảnh báo học sinh bị bỏ quên trên xe.

Thực tế, trên một số tuyến phố, đoạn đường có biển cấm xe kinh doanh vận tải hành khách, xe du lịch nhưng lại ưu tiên xe buýt, xe chở học sinh được đi vào. Điều này rất dễ dẫn đến tình trạng một số tài xế lợi dụng biển báo dấu hiệu nhận biết xe để cố tình đi vào các tuyến đường cấm, tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc và ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý vận tải và An toàn Giao thông (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết: Trước khi có Nghị định số 151/2024/NĐ-CP, cứ đầu năm học mới, Phòng Quản lý vận tải và An toàn Giao thông đều tổ chức rà soát và gửi văn bản đến Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng giáo dục các quận, huyện, trường học và các đơn vị vận tải yêu cầu cung cấp hợp đồng dịch vụ vận tải và các giấy tờ chứng minh xe đủ điều kiện kinh doanh vận tải đưa đón trẻ em mầm non, học sinh.

Bên cạnh đó, lực lượng thanh tra Sở cũng tiến hành rà soát phương tiện vận tải dừng, đỗ tại các trường học để đưa, đón trẻ, kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý vi phạm nếu có.Xe ô tô đưa đón trẻ em mầm non, học sinh:  Cần chuẩn hóa bộ nhận diện…!? - 1

Theo ông Nguyễn Tuyển, các biển báo dấu hiệu nhận biết là xe chuyên dụng chở trẻ em mầm non, học sinh là do đơn vị vận tải tự in và tự dán. Sở Xây dựng không cấp các biển báo dấu hiệu nhận biết đó.

Ông Nguyễn Tuyển cũng thừa nhận, việc nhận diện xe kinh doanh vận tải hành khách, xe du lịch “núp bóng” xe đưa đón học sinh để đi vào tuyến phố, đoạn đường cấm gặp nhiều khó khăn bởi kính xe thường tối màu, lực lượng chức năng khó xác định đối tượng trong xe có phải là học sinh hay không.

“Hiện tại, Sở chưa nắm được thông tin xe kinh doanh vận tải hành khách, xe du lịch “núp bóng” xe đưa đón học sinh đi vào phố cấm. Thời gian tới, Sở rất mong báo chí và người dân nếu phát hiện tình trạng trên thì kịp thời cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng để cùng phối hợp kiểm tra và xử lý vi phạm”, ông Nguyễn Tuyển nhấn mạnh.

Xe ô tô đưa đón trẻ em mầm non, học sinh:  Cần chuẩn hóa bộ nhận diện…!? - 2

Phần lớn bộ nhận diện có chữ “School Bus” và có kích thước lớn hơn so với quy định, gây khó khăn trong việc quan sát của tài xế.

Cần chuẩn hóa bộ nhận diện

Hiện biển báo dấu hiệu nhận biết (hay gọi là bộ nhận diện) xe ô tô kinh doanh vận tải kết hợp hoạt động đưa đón trẻ đã được dán ở mặt trước, mặt sau và hai bên hông xe. Tuy nhiên, vị trí dán ký hiệu nhận diện trên các xe chưa đồng nhất, xe thì đặt bên trong kính lái ở vị trí chính giữa phía dưới, xe thì dán trên cùng chính giữa, hoặc trên thân xe phía trên kính lái...

Theo quy định tại QCVN 09:2024 của Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng) về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ôtô. Ngoại quan của xe chở học sinh phải quy định được thống nhất một màu vàng đậm phủ bên ngoài thân xe. Ký hiệu nhận biết xe chở học sinh được bố trí ở mặt trước tại góc dưới bên phải của kính chắn gió, mặt sau và 1/3 thân xe phía trước tại cạnh 2 bên của thân xe.

Xe ô tô đưa đón trẻ em mầm non, học sinh:  Cần chuẩn hóa bộ nhận diện…!? - 3
Hầu hết nhà trường ký hợp đồng với các đơn vị kinh doanh vận tải để thuê xe đưa đón trẻ em mầm non, học sinh nên xe không bắt buộc phải sơn màu vàng đậm.

Ký hiệu nhận biết là xe chở học sinh, có tính năng phản quang hoặc sử dụng đèn led điện tử. Hình dáng kích thước bao có thể là hình vuông theo kích thước 350mm x 350mm hoặc hình tròn có đường kính 350mm.

Tuy nhiên, thực tế hiện nhiều bộ nhận diện có chữ “School Bus” có kích thước lớn hơn so với quy định, gây khó khăn trong việc quan sát của tài xế.

Thời gian tới, lực lượng chức năng cần hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải lựa chọn ký hiệu nhận diện xe đưa đón trẻ em mầm non, học sinh sao cho đúng quy định, vừa tăng độ nhận diện phương tiện, vừa đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.

  • Bộ Xây dựng trả lời về việc hạ giá vé máy bay

    Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi UBND tỉnh Bình Định để trả lời kiến nghị của địa phương này về việc sớm có giải pháp phối hợp để hạ giá thành vé máy bay xuống mức hợp lý và ổn định để giúp nâng cao tính cạnh tranh của du lịch Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng.
  • Báo in trong thời đại chuyển đổi số

    Sự bùng nổ nhanh chóng của các nền tảng số đã thay đổi phương thức, thói quen tiếp nhận thông tin của độc giả, đặt ra không ít thách thức đối với sự phát triển của báo in. Tuy nhiên, trước môi trường truyền thông xã hội ngày càng ồn ào, phức tạp và nhiều tin giả, báo in vẫn giữ một vị trí nhất định nhờ các giá trị cốt lõi bền vững của mình. Vậy làm thế nào để báo in vẫn đứng vững trong bối cảnh chuyển đổi số? Tạp chí Môi trường Giao thông đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ, Nhà báo Đinh Ngọc Sơn – Nguyên Phó Trưởng khoa Phát thanh – Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền về vấn đề này.
  • Phố cà phê đường tàu: Nên cấm hay quản để phát triển du lịch?

    Tọa lạc dọc theo tuyến đường sắt chạy qua địa bàn ba phường Điện Biên, Cửa Nam và Hàng Bông, phố cà phê đường tàu từ lâu đã trở thành điểm đến hút khách. Tuy nhiên, bên cạnh sự hấp dẫn mang tính trải nghiệm độc đáo, phố cà phê đường tàu cũng tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn giao thông, đặc biệt là khi các quán cà phê lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt.
  • Du lịch đường sắt – Xu hướng mới đang ngày càng hút khách

    Theo PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch (Tổng cục Du lịch), thành viên Tổ chuyên gia Tư vấn Quy hoạch Quốc gia, khi du lịch bằng tàu hỏa, du khách sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng những cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, con người dọc chiều dài đất nước dưới góc nhìn vô cùng mới lạ và đẹp đẽ.