Chủ Nhật, ngày 04/05/2025 19:20 | HOTLINE : 0906.18.1357 | Email: bbt.giaothong360@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0906.18.1357
Tiêu điểm

Sửa Luật Đầu tư công: Gỡ nút thắt giải phóng mặt bằng và thúc đẩy cải cách

Đỗ Khuyến (T/h) - 13:51 04/05/2025 GMT+7

Bộ Tài chính mới đây đã trình Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) lên Bộ Tư pháp thẩm định, với nhiều nội dung quan trọng nhằm tháo gỡ những vướng mắc nổi cộm, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng – điểm nghẽn đang ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ và hiệu quả đầu tư công tại nhiều địa phương.

Kế thừa tinh thần đổi mới quản lý đầu tư công được thể hiện trong Luật Đầu tư công 2024, Dự thảo sửa đổi lần này tiếp tục hướng tới thay đổi tư duy từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Theo hướng địa phương quyết – địa phương làm – địa phương chịu trách nhiệm, trong khi Trung ương, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát; bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả. Đồng thời, đã cắt giảm, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính, tránh tạo cơ chế xin - cho…

Trong bối cảnh một số dự án đầu tư công đặc thù như đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, hay các dự án công nghệ cao có yêu cầu triển khai nhanh, Bộ Tài chính cho rằng việc sửa đổi luật là cấp thiết để đáp ứng tốc độ đổi mới công nghệ, tránh trường hợp dự án chưa hoàn thành đã lạc hậu.

Gỡ nút thắt giải phóng mặt bằng trong Đầu tư công. Ảnh minh hoạ 

Giải phóng mặt bằng: Gỡ sớm, giải quyết nhanh

Theo Bộ Tài chính, dù đã có nhiều nỗ lực, công tác giải phóng mặt bằng vẫn là lực cản lớn khiến hàng loạt dự án đầu tư công bị chậm tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện và đội vốn. Để xử lý triệt để, dự thảo luật đã bổ sung khái niệm “nhiệm vụ chuẩn bị giải phóng mặt bằng” – là các công việc như đo đạc, kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất, hiện trạng sử dụng đất. Đáng chú ý, các nhiệm vụ này không cần phê duyệt chủ trương đầu tư mà vẫn được ưu tiên bố trí vốn đầu tư công.

Chi phí thực hiện các hoạt động chuẩn bị này sẽ được đưa vào tổng mức đầu tư của dự án và có thể sử dụng từ nguồn vốn đầu tư công hoặc các nguồn hợp pháp khác. Nhờ vậy, các địa phương có thể chủ động hơn trong việc xây dựng, bố trí vốn để thực hiện công tác đo đạc, kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất và hiện trạng sử dụng đất, trên cơ sở đó sớm ghi nhận, xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tránh việc thay đổi hiện trạng sử dụng đất. Cùng với đó, giúp cấp có thẩm quyền chủ động hơn trong việc bố trí nguồn lực cho từng giai đoạn của dự án, tối ưu hóa việc bố trí nguồn lực cho công tác xây lắp, mua sắm của dự án…

Thẩm định vốn: Linh hoạt và chủ động hơn

Một trong những điểm đổi mới lớn trong Dự thảo là bổ sung căn cứ để các bộ, cơ quan trung ương, địa phương được tự thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, thay vì chờ văn bản của Thủ tướng Chính phủ như trước đây. Quy định này được kỳ vọng sẽ tăng tính sẵn sàng của dự án, nâng cao khả năng hấp thụ vốn, đặc biệt trong giai đoạn đầu triển khai.

Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia hay dự án đầu tư công đặc biệt, việc không yêu cầu thẩm định nguồn vốn lại cũng giúp tiết kiệm thời gian, giảm thiểu thủ tục chồng chéo.

Dự thảo cũng đề xuất sửa đổi quy trình phê duyệt các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, rút ngắn và đơn giản hóa thủ tục, phân cấp mạnh hơn trong thực hiện, đi kèm là cơ chế xử lý nghiêm các chủ thể chậm tiến độ, bảo đảm tính kỷ luật trong đầu tư công.