Thứ Sáu, ngày 25/04/2025 01:56 | HOTLINE : 0906.18.1357 | Email: bbt.giaothong360@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0906.18.1357
Tiêu điểm

Nhiều triển vọng phát triển cho ngành cảng biển Việt Nam

Tuấn Anh - 07:10 30/10/2023 GMT+7

Với tiềm năng, lợi thế vị trí của các cảng biển, việc xây dựng phát triển hệ thống cảng biển ở nước ta được coi là trọng điểm, đột phá trong thực hiện thắng lợi các nội dung cơ bản của Nghị quyết số 36-NQ/TW và đưa lĩnh vực kinh tế hàng hải trở thành lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

Tiềm năng phát triển cảng biển rất lớn

Việt Nam có vùng biển rộng trên 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền. Biển Việt Nam thuộc biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Âu - Châu Á, Trung Đông - Châu Á. Đây được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới.

Hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% đi qua biển Đông. Với lợi thế về biển, kinh tế hàng hải (cảng biển và vận tải biển) đã hình thành và ngày càng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh, quốc phòng trong tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước.

Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển ngành cảng biển.

Hiện nay, cả nước có 45 cảng biển đang hoạt động trong đó: 02 cảng biển loại IA (cảng cửa ngõ quốc tế); 12 cảng biển loại I (cảng tổng hợp đầu mối khu vực); 18 cảng biển loại II (cảng tổng hợp địa phương) và 13 cảng biển loại III (cảng dầu khí ngoài khơi). Tổng số bến cảng của hệ thống cảng biển là 251 bến cảng với khoảng 88km chiều dài cầu cảng và 18 khu neo đậu, chuyển tải, tổng công suất thiết kế khoảng 543,7 triệu tấn hàng/năm.

Phát triển hệ thống cảng biển đạt nhiều thành tựu

Hạ tầng cảng biển được phát triển về mọi mặt, cơ bản đáp ứng được yêu cầu luân chuyển hàng hóa vận tải bằng đường biển, phục vụ tích cực cho quá trình phát triển kinh tế xã hội vùng ven biển và cả nước, hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần bảo đảm quốc phòng an ninh; tạo động lực thu hút, thúc đẩy các ngành kinh tế, công nghiệp liên quan cùng phát triển.

Hệ thống cảng biển Việt Nam đã cơ bản hình thành, tạo nên mạng lưới cảng biển trên toàn quốc với các cảng biển có chức năng khác nhau, bao gồm: cảng biển tổng hợp quốc gia, cảng địa phương, khu vực, cảng cửa ngõ quốc tế cho các vùng trọng điểm kinh tế. Đến nay, các cảng biển tổng hợp trọng điểm đã được đầu tư theo đúng quy hoạch được phê duyệt. So với những năm đầu tiên triển khai thực hiện quy hoạch lần thứ nhất, hệ thống cảng biển Việt Nam đã tăng lên 4,4 lần về chiều dài cảng biển.

Hệ thống hạ tầng cảng biển được phát triển về mọi mặt.

Các trung tâm, các vùng kinh tế lớn của cả nước đã hình thành các cảng biển lớn với vai trò là đầu mối phục vụ xuất nhập khẩu hàng khóa và tạo động lực phát triển toàn vùng như: Cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh gắn với vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc; cảng biển Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Dung Quất, Quy Nhơn gắn với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; cảng biển TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai gắn với vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ; cảng biển Cần Thơ, An Giang gắn với vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long. Một số cảng biển đã và đang được đầu tư với quy mô hiện đại mang tầm vóc quốc tế như cảng biển Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu. Các cảng biển này đã và đang thực hiện vai trò cảng cửa ngõ quốc tế và đảm nhận chức năng trung chuyển.

Các bến cảng được quan tâm, cải tạo nâng cấp để tiếp nhận các tàu có trọng tải ngày càng lớn hơn. Hầu hết các cảng tổng hợp, đầu mối khu vực đã được đầu tư mới và cải tạo nâng cấp cho phép tiếp nhận tàu có trọng tải đến 30.000-50.000 DWT và lớn hơn phù hợp với xu thế phát triển của đội tàu biển thế giới.

Nhiều bến cảng đầu tư mới với quy mô hiện đại cho phép tiếp nhận tàu trọng tải lớn đến hàng trăm nghìn tấn như Cái Mép - Thị Vải (tiếp nhận tàu 160.000-194.000 DWT), bến cảng Lạch Huyện (tiếp nhận trên 100.000 DWT). Đây là cơ sở quan trọng, khẳng định năng lực cảng biển Việt Nam làm mắt xích trong chuỗi vận tải toàn cầu; là cơ sở quan trọng, khẳng định năng lực cảng biển Việt Nam, tạo tiền đề để các hãng tàu hàng đầu thế giới thiết lập các tuyến vận tải trực tiếp từ nước ta đến châu Âu, Mỹ,… và dần hình thành khu cảng cửa ngõ, đầu mối mang tính chất trung chuyển quốc tế của Việt Nam.

Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách du lịch quốc tế bằng đường biển, Việt Nam đã đầu tư xây dựng các bến cảng chuyên dùng hành khách tại Hòn Gai (Quảng Ninh) và Phú Quốc (Kiên Giang). Các bến cảng này hoàn thành, cho phép tiếp nhận tàu khách quốc tế có trọng tải đến 225.000 GT. Thời gian qua, cảng tàu khách quốc tế Ao Tiên và cảng tàu khách Côn Đảo là những cảng tàu khách chuyên dùng đã đi vào hoạt động. Trong đó, cảng tàu khách Côn Đảo hiện nay đang trong quá trình thử nghiệm việc đón khách.

Siêu tàu du lịch Spectrum of the Seas chở hơn 3.800 khách quốc tế cập cảng Tân Cảng - Cái Mép.

Nhờ những chính sách mở đã thu hút được nhiều nhà đầu tư khai thác cảng chuyên nghiệp, các hãng tàu lớn của thế giới tham gia đầu tư xây dựng và khai thác cảng biển tại Việt Nam. Một số nhà khai thác cảng trong nước như Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã mang đến những dịch vụ cảng biển tốt nhất, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và sức cạnh tranh của cảng biển Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong 5 năm trở lại đây, hàng hải được đánh giá là một trong những ngành có sự đột phá mạnh mẽ trong công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Hiện tổng số TTHC trong lĩnh vực hàng hải được công bố là 101 TTHC, trong đó có 21 thủ tục được đề xuất cắt giảm, đạt 21,7%.

Về dịch vụ công trực tuyến, hệ thống cảng biển Việt Nam đi đầu trong việc tham gia thực hiện Cơ chế một cửa Quốc gia ngay từ giai đoạn đầu (2014). Hiện nay, đã xây dựng lộ trình, triển khai; 58 TTHC mức độ 2; 39 TTHC cung cấp trực tuyến mức độ 3; 09 TTHC cung cấp trực tuyến mức độ 4.

Đặc biệt, việc thực hiện cung cấp 11 TTHC lĩnh vực hàng hải tham gia Cơ chế một cửa Quốc gia tại 25 cảng vụ hàng hải giúp nâng cao chất lượng, công khai minh bạch việc giải quyết TTHC của cơ quan quản lý nhà nước, giúp doanh nghiệp vận tải rút ngắn được tương đối chi phí, thời gian trong mỗi chuyến hành trình.