Thứ Sáu, ngày 25/04/2025 04:40 | HOTLINE : 0906.18.1357 | Email: bbt.giaothong360@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0906.18.1357
Tiêu điểm

Hội Môi trường GTVT Việt Nam tổ chức thành công Hội thảo khoa học về chủ đề xử lý chất nạo vét

Duy Phương - 23:11 09/12/2023 GMT+7

Sáng ngày 6/12, tại Hà Nội, Hội Môi trường Giao thông vận tải Việt Nam đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học về chủ đề: “Xử lý chất nạo vét tuyến luồng hàng hải và đường thủy nội địa ở Việt Nam nhằm sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”. Từ đó đúc kết và đưa ra nhiều sáng kiến giúp bảo vệ nguồn tài nguyên quốc gia.

Tham dự Hội thảo khoa học về phía Trung ương Hội, có sự hiện diện của ông Phạm Duy Anh, Nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Chủ tịch Hội Môi trường GTVT Việt Nam cùng các Phó Chủ tịch, Uỷ viên Ban thường vụ của Hội Môi trường GTVT Việt Nam. Về phía đại biểu tham dự, gồm đại diện Vụ Quản lý doanh nghiệp Bộ GTVT, Phòng Khoa học - Công nghệ và Môi trường Cục Hàng hải Việt Nam, Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường Bộ GTVT, Vụ Vận tải Bộ GTVT, cùng các đơn vị báo chí và truyền thông.

Ông Phạm Duy Anh, Nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Chủ tịch Hội Môi trường GTVT Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học.

Phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học, ông Phạm Duy Anh - Nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Chủ tịch Hội Môi trường GTVT Việt Nam cho biết, để tiếp tục phát huy tinh thần nhiệt huyết, cống hiến những giá trị tích cực cho lĩnh vực giao thông vận tải và tài nguyên môi trường nước nhà, Hội Môi trường GTVT Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học về xử lý chất nạo vét tuyến luồng hàng hải và nội địa nhằm đưa ra những giải pháp tích cực và giải pháp đổi mới trong sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường tại Việt Nam.

Chủ tịch Hội Môi trường GTVT Việt Nam khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của việc sử dụng hợp lý tài nguyên và giữ gìn môi trường xanh trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay tại Việt Nam. Ông Phạm Duy Anh khuyến khích các đại biểu tham dự Hội thảo đóng góp ý kiến xây dựng, đưa ra các giải pháp sáng tạo, đột phá về nội dung, từ đó hỗ trợ tích cực cho công tác bảo vệ tài nguyên môi trường. Hoàn thành đúng nhiệm vụ và phát triển hơn nữa vai trò của Trung ương Hội Môi trường GTVT trong lĩnh vực GTVT và tài nguyên môi trường nước nhà.

Mở đầu Hội thảo khoa học, ThS Nguyễn Đức Thuyết, chuyên viên Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ GTVT, trình bày thực trạng nạo vét tuyến luồng hàng hải ở Việt Nam giúp các đại biểu có cái nhìn tổng quan hơn về công tác nạo vét ở thời điểm hiện tại. Theo số liệu khảo sát thu thập được, khối lượng nạo vét các tuyến luồng hàng hải tại Việt Nam mỗi năm khoảng 5 triệu m3 vật chất nạo vét và khoảng 6 triệu m3 vật chất nạo vét ở các khu nước trước bến cảng. Vật chất nạo vét thường được xử lý bằng biện pháp nhấn chìm ngoài biển hoặc đổ lên bờ để san lấp. 

Qua đó chỉ ra tác động tiêu cực của hoạt động nạo vét trong xây dựng, duy tu các công trình hàng hải đến môi trường, giao thông vận tải và kinh tế xã hội. Hoạt động này có thể ảnh hưởng đến môi trường nước, hệ sinh thái thủy sinh, tác động tới không khí hay giao thông vận tải biển. Ngoài ra, việc nạo vét cũng tạo nên một số tác động tích cực như tăng độ sâu, khai thông luồng ngạch, tăng khả năng thoát lũ, tạo bãi tắm nhân tạo và diện tích nuôi trồng thủy hải sản.

Tiếp nối phần đánh giá thực trạng nạo vét tuyến luồng hàng hải của ThS Nguyễn Đức Thuyết, ThS Trương Trọng Danh, chuyên viên Vụ Vận tải, Bộ GTVT tiếp tục phân tích chuyên sâu hoạt động nạo vét tuyến luồng đường thủy nội địa tại Việt Nam.

ThS Trương Trọng Danh, chuyên viên Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải phân tích chuyên sâu hoạt động nạo vét tuyến luồng đường thủy nội địa tại Việt Nam.

Chuyên viên Vụ Vận tải Bộ GTVT chỉ ra một số bất cập về quy định pháp lý trong công tác quản lý hoạt động nạo vét vùng nước đường thủy nội địa, từ đó đưa ra kết luận quan trọng. “Trung bình mỗi năm khối lượng nạo vét đường thủy nội địa tăng nhanh từ 0.5 - 1 triệu m3. Hoạt động nạo vét luồng đường thủy nội địa là hoạt động phục vụ cho sự phát triển, tuy nhiên nếu không có những biện pháp, quy trình quản lý chặt chẽ hoạt động này thì sự yếu kém trong ý thức cũng như vì tư lợi của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nạo vét sẽ gây ra những vấn đề nghiêm trọng về môi trường, ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên quốc gia.”, ông Danh chia sẻ.

Để tránh lãng phí hoặc sử dụng sai mục đích các chất nạo vét từ tuyến luồng hàng hải và đường thủy nội địa tại nước nhà, ông Phạm Văn Xuân, Phó Chủ tịch Hội Môi trường GTVT Việt Nam đã tham gia đóng góp các giải pháp sử dụng hiệu quả chất nạo vét như một nguồn tài nguyên để đem lại hiệu quả về kinh tế và bảo vệ môi trường. 

Ông Phạm Văn Xuân, Phó Chủ tịch Hội Môi trường GTVT Việt Nam trình bày tham luận tại hội thảo.

Phó Chủ tịch Hội Môi trường GTVT Việt Nam đề ra giải pháp và các kỹ thuật sử dụng vật liệu nạo vét một cách có lợi theo 6 lĩnh vực gồm: Kỹ thuật công trình, Cải thiện môi trường, Sử dụng trong nông nghiệp, Xây dựng đường bộ, Sản xuất bê tông, Sản xuất sản phẩm xây dựng, gạch/gốm. Trong đó, ông Xuân nhấn mạnh giải pháp cải thiện môi trường nhờ chất nạo vét. “Chất nạo vét có thể giúp tăng cường môi trường sống tại vùng đất ngập nước, vùng đất cao và các đảo hay phục hồi, duy trì cân bằng bồi tích”, ông Xuân phân tích.

Tán thành quan điểm và phân tích trong bài tham luận của Phó Chủ tịch Hội Môi trường GTVT, TS Nguyễn Văn Siêm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội cũng đưa ra đóng góp về phương tiện, thiết bị và công nghệ thi công nạo vét, vận chuyển và nhận chìm chất nạo vét đối với các dự án nạo vét tuyến luồng hàng hải và đường thủy nội địa ở Việt Nam.

TS Nguyễn Văn Siêm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội trình bày tại hội thảo.

Qua những chia sẻ về nội dung chuyên sâu từ các đại biểu, bà Trần Thị Tú Anh, Phó Phòng Khoa học - Công nghệ và Môi trường Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã phân tích một số vấn đề liên quan đến quản lý và xử lý chất nạo vét trong vùng nước cảng biển Việt Nam. “Hoạt động nạo vét là thường xuyên tuy nhiên khu vực địa điểm đổ chất nạo vét trên bờ cũng chỉ có hạn, chỉ tiếp nhận chất nạo vét được trong thời gian nhất định với khối lượng hạn chế, không có tính ổn định, lâu dài”, bà Tú Anh cho biết.

Bà Trần Thị Tú Anh, Phó Phòng Khoa học - Công nghệ và Môi trường Cục Hàng hải Việt Nam phân tích và đưa ra kiến nghị về một số vấn đề liên quan đến quản lý và xử lý chất nạo vét trong vùng nước cảng biển Việt Nam.

Để tạo điều kiện thuận lợi, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo động lực và môi trường cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư, kinh doanh và phát triển trong lĩnh vực hàng hải và giải quyết vướng mắc về công tác quản lý, xử lý, đổ chất nạo vét trên bờ và nhận chìm chất nạo vét ở biển như hiện nay, Phó Phòng Khoa học - Công nghệ và Môi trường kính đề nghị Hội Môi trường GTVT có ý kiến đề xuất với các cấp có thẩm quyền một số nội dung quan trọng như: 

Kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy định hoặc có hướng dẫn chi tiết cho UBND cấp tỉnh không áp dụng quy định của Luật khoáng sản đối với hoạt động nạo vét không khai thác khoáng sản, không thực hiện nạo vét theo hình thức kết hợp thu hồi sản phẩm, không tận thu, không trao đổi mua bán chất nạo vét mà chỉ tổ chức thực hiện nạo vét và đổ chất nạo vét nhằm duy trì chuẩn tắc cho các tuyến luồng, khu nước, vùng nước phục vụ tàu thuyền ra vào các bến cảng.

Kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật sử dụng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng, làm nguyên vật liệu trong các công trình giao thông. 

Mong muốn các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục rà soát nghiên cứu sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về quản lý, xử lý, tận dụng, sử dụng chất nạo vét, ban hành cơ chế chính sách để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào việc xử lý chất nạo vét để có thể tận dụng một phần chất nạo vét.

Bế mạc hội thảo, ông Phạm Duy Anh bày tỏ niềm vui khi buổi hội thảo khoa học diễn ra thành công tốt đẹp với rất nhiều những ý kiến đóng góp bổ ích cũng như những tham luận chuyên sâu về chủ đề xử lý chất nạo vét tại Việt Nam hiện nay. Qua đó cung cấp cho các đại biểu tham dự đại hội cái nhìn khách quan về thực trạng và giải pháp cho sử dụng chất nạo vét. Đặc biệt hơn, các đại biểu đã đưa ra được những kiến nghị và đề xuất giải pháp mới, mang tính đột phá với mục đích phát triển lĩnh vực giao thông vận tải và tài nguyên môi trường nước nhà. 

“Hội Môi trường GTVT Việt Nam vẫn đã và đang nỗ lực, phấn đấu cống hiến công sức, cũng như đưa ra các ý tưởng sáng tạo giúp ích cho lĩnh vực Giao thông vận tải và Môi trường tại Việt Nam ngày một phát triển hơn nữa trong tương lai”, ông Phạm Duy Anh khẳng định.

Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học.