Thứ Sáu, ngày 25/04/2025 22:25 | HOTLINE : 0906.18.1357 | Email: bbt.giaothong360@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0906.18.1357
Tiêu điểm

Dấu ấn của tân Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải

Duy Phương - 07:00 08/09/2023 GMT+7

Được bổ nhiệm giữ chức vụ Bộ trưởng GTVT nhiệm kỳ 2021 - 2026 từ tháng 10 năm 2022, tân Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng đã để lại nhiều dấu ấn với ngành GTVT nước nhà đặc biệt trong xây dựng, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng.

Phát triển kết cấu hạ tầng là nhiệm vụ hàng đầu

Đối với công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ GTVT xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu được ưu tiên trong năm 2023.

Tháng 1/2023, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai kế hoạch 2023, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong năm 2023, Bộ GTVT tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm. Bộ GTVT sẽ chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ 9 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đang triển khai.

Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cam kết, Bộ GTVT sẽ tăng cường quản lý chặt chẽ tiến độ, chất lượng của các dự án, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, kiên quyết xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng.

Trong quá trình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ trưởng Bộ GTVT luôn đốc thúc, kiểm tra sát sao các công trình đã, đang và sắp khởi công nhằm đảm bảo tiến độ theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Nhấn mạnh việc các dự án giao thông được hoàn thành sẽ tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội, trong đó, các địa phương sẽ được hưởng lợi trực tiếp. Bộ trưởng đề nghị các tỉnh, thành cùng "cộng đồng trách nhiệm" với Bộ GTVT để triển khai.

Phát triển hạ tầng giao thông không phải là “việc anh, việc tôi” mà phải coi là nhiệm vụ chung. Dự án phân cấp cho địa phương nhưng Bộ GTVT sẽ vẫn song hành, vào cuộc như dự án phụ trách trực tiếp.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng chỉ đạo, không chia nhỏ gói thầu, phải lựa chọn nhà thầu chuyên nghiệp. Liên quan đến công tác lựa chọn nhà thầu thi công các dự án, Bộ trưởng đề nghị các địa phương được giao làm cơ quan có thẩm quyền các dự án trọng điểm quốc gia cần thực hiện nghiệm chỉ đạo của Thủ tướng, không chia nhỏ gói thầu. Công tác lựa chọn nhà thầu phải đảm bảo chặt chẽ, công khai và rộng rãi như Bộ GTVT đã triển khai.

Riêng quý 1/2023, Bộ GTVT đã lên kế hoạch khởi công 8 dự án. Tính đến ngày 9/3, có 4/8 dự án đã hoàn chỉnh thủ tục để khởi công, gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Hà Nội - Vinh, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM; Nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải; Cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn, Thanh Hóa; Cải tạo, nâng cấp QL14E đoạn Km15+270-Km89+700, tỉnh Quảng Nam.

Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45.

Đối với các dự án gặp vướng mắc khó khăn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thường xuyên chỉ đạo tập trung gỡ khó để đẩy nhanh tiến độ thi công nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng tốt nhất. 

Về công tác đảm bảo TTATGT, xác định TNGT vẫn có chiều hướng diễn biến phức tạp, Bộ trưởng đề nghị Cục quản lý chuyên ngành nâng cao tính chủ động, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành địa phương để nhận diện nguy cơ, triển khai quyết liệt đồng bộ các giải pháp, tập trung tuyên truyền pháp luật, nâng cao điều kiện kết cấu giao thông, xử nghiêm các vi phạm ảnh hưởng đến trật tự ATGT như: nồng độ cồn, chở quá khổ, quá tải, phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật,…

Dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, sau 6 tháng đầu năm 2023, Bộ GTVT đã giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt 96,5% kế hoạch, 5 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 30% kế hoạch, tạo tiền đề cho ngành phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.

Tiến độ triển khai các dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT cơ bản được đảm bảo, đã hoàn thành, đưa vào khai thác 566km đường bộ cao tốc từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nâng chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào sử dụng là 1.729 km.

Tuy nhiên, Bộ trưởng GTVT cho rằng, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế ngành cần phải tập trung, quyết liệt xử lý, tháo gỡ, trong đó có những sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm gây bức xúc dư luận; công tác đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi, quản lý giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa vẫn còn bộc lộ hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tiêu cực.

Giải ngân nhanh, loại trừ sai phạm

Năm 2023 Bộ GTVT được giao hơn 90.000 tỷ đồng, theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, đây là nguồn vốn đầu tư công "lịch sử" nên các đơn vị cần giải ngân phải tranh thủ từng giây, từng phút một để đạt hiệu quả giải ngân cho ngành giao thông. Qua 6 tháng đầu năm về giải ngân vốn đầu tư công của Bộ GTVT đạt 37% là tương đối tốt, lưu ý 6 tháng còn lại nguồn vốn giải ngân còn 63% là cả vấn đề nặng nề.

Ông Thắng đặc biệt chỉ đạo, yêu cầu các chủ đầu tư bám sát công trường tháo gỡ khó khăn nguồn cung vật liệu, đảm bảo nhà thầu có đủ năng lực tài chính và tranh thủ thời tiết thi công đẩy nhanh tiến độ, các dự án cao tốc hoàn thành theo đúng yêu cầu đề ra; kịp thời báo cáo bộ chỉ đạo tháo gỡ những vấn đề vượt thẩm quyền của ban quản lý dự án và chủ đầu tư; điều chuyển các dự án giải ngân chậm.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng thị sát công trường cao tốc Bắc – Nam.

Người đứng đầu ngành giao thông vận tải cũng chỉ ra các tồn tại như một số dự án còn chậm tiến độ; công tác đào tạo cấp thu hồi giấy phép đường thủy còn hạn chế tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí nhưng còn mức cao và xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng; còn xảy ra sự cố uy hiếp an toàn hàng không.

Bộ trưởng kiên quyết chỉ đạo các cục chuyên ngành cần tăng cường thanh kiểm tra quản lý về đường thủy nội địa; công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe; kiểm soát chặt chẽ slot (điều phối giờ cất, hạ cánh) của các hãng hàng không; sở giao thông vận tải địa phương tăng cường thanh kiểm tra, thông qua công nghệ có chế tài xử lý nghiêm vi phạm hoạt động vận tải sẽ thu hồi giấy phép.

Trong đó, yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam triển khai các giải pháp đồng bộ, tăng cường phòng chống tham nhũng tiêu cực, đề xuất sửa đổi theo thực tiễn nâng cao hiệu quả hiệu lực quản lý Nhà nước đặc biệt là lái xe sau đào tạo, triển khai thanh kiểm tra đào tạo lái xe bởi sau thanh tra có nhiều vấn đề đồng thời có các kiến nghị điều chỉnh văn bản pháp luật, các vấn đề về mặt kỹ thuật…trong thời gian tới.

Chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam có trách nhiệm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm gắn liền với tăng cường thanh tra, kiểm tra, phòng chống tiêu cực, lãng phí. Rà soát các quy định liên quan đến cơ chế tài chính, giá dịch vụ, phí, lệ phí kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ đăng kiểm, đảm bảo công khai, minh bạch, ngăn ngừa sự can thiệp vào hệ thống, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ GTVT đặc biệt quan tâm là liên tục đưa ra chỉ đạo  tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, xử lý nghiêm các sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm gây bức xúc trong nhân dân và dư luận; công tác đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi, quản lý giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa,...

Trước những sai phạm này, Ban Cán sự đảng, Đảng ủy Bộ và Bộ Giao thông vận tải đã đình chỉ sinh hoạt đảng đối với 24 đảng viên; xử lý kỷ luật đảng bằng hình thức khai trừ Đảng đối với 49 đảng viên,10 chi bộ đảng bị kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo. Bộ Giao thông vận tải cũng xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc đối với Cục trưởng Cục Đăng kiểm bị khởi tố, bắt tạm giam.

Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải cũng đang thực hiện rà soát các quy định liên quan đến giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, phí, lệ phí đối với xe cơ giới để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, bảo đảm bù đắp đủ chi phí hoạt động kiểm định, góp phần hạn chế phát sinh các tiêu cực trong công tác kiểm định xe cơ giới.