Thứ Sáu, ngày 25/04/2025 16:08 | HOTLINE : 0906.18.1357 | Email: bbt.giaothong360@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0906.18.1357
Tiêu điểm

10 sự kiện nổi bật của ngành Giao thông vận tải năm 2023

Nguyễn Luận - 08:00 29/01/2024 GMT+7

Trong năm vừa qua, ngành GTVT đã "vượt nắng, thắng mưa" để đạt được những thành tích to lớn nhằm thực hiện chiến lược phát triển, hoàn thiện kết cấu, cơ sở hạ tầng chiến lược quốc gia, góp phần thắng lợi vào Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, ngành GTVT vẫn còn một số tồn tại, hạn chế liên quan đến vấn đề đăng kiểm, giải phóng mặt bằng... Dưới đây là 10 sự kiện nổi bật của ngành GTVT trong năm 2023.

1. Hoàn thành 5 quy hoạch ngành quốc gia sớm nhất

Trình bày tham luận tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 của Bộ GTVT, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, năm 2023, ngành GTVT gánh vác nhiều nhiệm vụ quan trọng chung của Nhà nước cũng như nhiều nhiệm vụ phát triển của ngành.

Về quy hoạch, ngày 7/6/2023, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Bộ GTVT là một trong số các cơ quan hoàn thành 5 quy hoạch ngành quốc gia sớm nhất. (Ảnh minh họa)

"Như vậy, Bộ GTVT là một trong số các cơ quan hoàn thành 5 quy hoạch ngành quốc gia sớm nhất. Đây là tiền đề để triển khai thực hiện các dự án trọng điểm, là căn cứ để các địa phương hoàn thành quy hoạch tỉnh, thành phố. Đến nay đã có 40 quy hoạch địa phương được phê duyệt, 19 địa phương hoàn thành báo cáo thẩm định, 4 địa phương đang xây dựng hoàn chỉnh hồ sơ quy hoạch. Cơ bản các địa phương cập nhật đảm bảo đồng bộ với quy hoạch của ngành GTVT" – ông Phương cho biết.

Bộ GTVT là một trong các bộ trình sớm nhất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 5/5 quy hoạch ngành quốc gia. Việc chuẩn bị các đề án quan trọng đạt được kết quả tích cực, Bộ GTVT đã tiếp thu, hoàn thiện, trình Thường trực Chính phủ Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Đề án định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không.

2. Giải ngân số vốn cao nhất trong lịch sử

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, năm 2023, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao số vốn đầu tư công lớn nhất từ trước tới nay với hơn 94 nghìn tỷ đồng (gấp 1,7 lần so với năm 2022), cùng với số vốn sự nghiệp kinh tế hơn 19,9 nghìn tỷ đồng phục vụ công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.

Bộ GTVT đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả để điều hành giải ngân kế hoạch vốn. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, kết quả giải ngân của Bộ đến hết niên độ kế hoạch dự kiến đạt trên 95%.

3. Đột phá về thể chế, chính sách

Trong năm 2023, Bộ GTVT đã tập trung rà soát, hoàn thiện, nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, cơ chế chính sách và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tháo gỡ đáng kể khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp và địa phương; khơi thông, giải phóng, huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, góp phần quan trọng tạo đà phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Trọng tâm là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trên mọi lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc Bộ GTVT, đi kèm với cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, tích cực giải quyết nhiều vấn đề mới, vấn đề khó, những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn.

Cụ thể, năm 2023, Bộ GTVT đã ban hành 40 Thông tư theo thẩm quyền; trình Chính phủ 13 nghị định, đạt 100% kế hoạch; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ; hoàn thiện Dự thảo Luật Đường bộ để trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 7; đã hoàn thiện hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Đường sắt và Luật Hàng không dân dụng Việt Nam để trình Chính phủ theo quy định; đang thực hiện tổng kết Luật Giao thông đường thủy nội địa và Bộ Luật Hàng hải Việt Nam.

Hàng loạt dự án giao thông quan trọng quốc gia được khởi công trong năm 2023.

4. Khởi công và khánh thành nhiều dự án giao thông quan trọng quốc gia

Năm 2023 thực sự là năm có nhiều đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với việc khởi công 26 Dự án, trong đó rút ngắn thời gian khởi công 06 Dự án quan trọng quốc gia 01 năm so với quy trình thủ tục thông thường. Bên cạnh đó, lần đầu tiên thực hiện khởi công đồng loạt theo hình thức trực tuyến Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 tại 12 điểm cầu của 12 dự án thành phần; khởi công các dự án đường bộ cao tốc trục Đông - Tây, các tuyến Vành đai đô thị tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Khởi công công trình nhà ga Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, Nhà ga T3 Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất...

Ngoài ra, Bộ GTVT đã hoàn thành và đưa vào khai thác 20 Dự án, trong đó riêng đường bộ cao tốc với 09 Dự án dài 475km, nâng tổng số chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước lên gần 1.900 km.

5. Hoạt động vận tải tăng trưởng ổn định

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, hoạt động vận tải trong năm 2023 tiếp tục giữ được đà tăng trưởng ổn định gắn với việc cắt giảm mạnh mẽ thủ tục hành chính, phí lệ phí, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.

Đến hết tháng 11/2023, sản lượng hàng hóa tăng 12,9%, luân chuyển hàng hóa tăng 10,5% so với cùng kỳ, sản lượng hành khách tăng 11,5%, luân chuyển hành khách tăng 23,9% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, nhờ việc triển khai đề án tái cơ cấu và nhiều giải pháp quan trọng, vận tải đường sắt đã có những con số ấn tượng khi vận chuyển hàng hóa, sản lượng hành khách và doanh thu tăng đột biến so với năm 2022.

6. Xếp hạng A trong khối bộ, ngành về chuyển đổi số

Năm 2023, Bộ GTVT đã đưa vào sử dụng nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu để kết nối, khai thác dữ liệu của 4 bộ, ngành và chia sẻ dữ liệu với 6 bộ, 34 địa phương, gần 46 triệu dữ liệu được chia sẻ, tăng 1,5 lần so với năm 2022.

Bộ GTVT đã đơn giản hóa 42/76 thủ tục hành chính về giấy tờ công dân; Cắt giảm 93/384 thủ tục hành chính có mẫu đơn, tờ khai; Cắt giảm, đơn giản hóa 26/1.044 thủ tục quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý.

“Xác định nhiệm vụ xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, là công cụ hữu hiệu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, Bộ GTVT đã tập trung, quyết liệt chỉ đạo các cơ quan đơn vị trong việc triển khai thực hiện gắn với cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu; Năm 2023, Bộ GTVT hoàn thành 06/06 chỉ tiêu và 23 nhiệm vụ Chính phủ giao về xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số; hoàn thành 04/04 nhiệm vụ tại Đề án 06, cung cấp 319 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 170 dịch vụ công toàn trình. Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, cổng dịch vụ công Bộ GTVT được xếp hạng A trong khối các bộ, ngành”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết.

7. Quyết tâm đổi mới sau loạt sai phạm về đăng kiểm

Năm 2023, Bộ GTVT đã quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để xử lý những tồn tại, khó khăn sau những sai phạm của hoạt động đăng kiểm; đến tháng 6/2023, đã giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm.

Bộ GTVT quyết liệt xử lý những tồn tại sau loạt sai phạm của hoạt động đăng kiểm.

Hiện nay, Bộ đang tập trung thực hiện các giải pháp để đổi mới toàn diện hoạt động đăng kiểm theo hướng “có đóng, có mở”, công khai, minh bạch, hiện đại, nâng cao chất lượng phục vụ và tạo thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp.

Với những quyết sách táo bạo, kịp thời cùng với quyết tâm và danh dự nội tại, ngành Đăng kiểm đã được vực dậy, ổn định lại hệ thống trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trước nguy cơ sụp đổ hệ thống do hàng loạt đơn vị sai phạm.

8. Xử lý vướng mắc dự án BOT, SBIC

Bộ GTVT đã rà soát, đánh giá kỹ lưỡng và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án BOT trên nguyên tắc các quy định của pháp luật và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, sau nhiều lần tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành và các đồng chí thành viên Chính phủ, Bộ GTVT đã hoàn thiện, trình và được Chính phủ ban hành Nghị quyết thực hiện Kết luận của Bộ chính trị về chủ trương xử lý Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC).

9. Số người chết do TNGT giảm

Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 11 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 11.776 vụ TNGT, làm chết 6.381 người, bị thương 8.488 người, so với cùng kỳ năm 2022, giảm 145 người chết.

Ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, mặc dù số vụ TNGT và số người bị thương tăng so với cùng kỳ trong bối cảnh bình thường trở lại sau đại dịch Covid-19, tuy nhiên số người chết đã giảm so với cùng thời điểm năm trước.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và quyết tâm của Bộ GTVT, công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm về ATGT đã được triển khai đồng bộ trên cả nước.

Tổng kiểm tra hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tại 63 tỉnh, thành phố. (Ảnh minh họa)

10. Tổng kiểm tra hoạt động kinh doanh vận tải tại 63 tỉnh, thành

Hồi tháng 11/2023, Bộ GTVT đã công bố kế hoạch số 12882/KH-BGTVT về việc tổ chức kiểm tra hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tại 63 tỉnh, thành phố.

Theo đó, Bộ GTVT thành lập 4 đoàn kiểm tra công tác quản lý Nhà nước của các Sở GTVT đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Mốc thời kỳ kiểm tra là từ ngày 1/1/2022 đến thời điểm kiểm tra, thời gian thực hiện xong trước ngày 5/2/2024.

Đây được xem là động thái quyết liệt của Bộ GTVT nhằm phát hiện bất cập trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (nếu có), từ đó góp phần đảm bảo trật tự ATGT và kiềm chế TNGT đường bộ do phương tiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô gây ra.