Thứ Bảy, ngày 26/04/2025 01:11 | HOTLINE : 0906.18.1357 | Email: bbt.giaothong360@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0906.18.1357
Đời sống

Hành trình kết nối yêu thương đến các điểm trường vùng cao Tây Bắc

Hoàng Minh - 11:16 11/12/2022 GMT+7

Nối dài truyền thống bằng những hoạt động “Sưởi ấm vùng cao” mỗi dịp cuối năm, từ ngày 5 - 6/12/2022, Tạp chí Con đường xanh đã thực hiện hành trình thiện nguyện hướng về thầy trò thuộc 3 huyện miền núi của tỉnh Điện Biên.

Nằm ở khu vực trung tâm có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nơi của những mảnh đất heo hút gió ngàn nên Mường Chà và Mường Nhé là hai huyện đặc biệt khó khan và một huyện nằm ở trung tâm lòng chảo Điện Biên trong công tác giáo dục, khuyến học. Đây là những huyện có địa bàn bao gồm nhiều bản, làng nằm rải rác khiến việc đi lại học tập của các em học sinh gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Nhận thức của học sinh, phụ huynh học sinh về giáo dục còn hạn chế, một số học sinh đến lớp chưa mang tính chất tự nguyện, trình độ học sinh chưa đồng đều. Bên cạnh đó, các trường học còn thiếu thốn rất nhiều về cơ sở vật chất trường học hay nhà ở cho học sinh bán trú chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của nhà trường.

Vượt cung đường gần 800km để đến với nơi là cực Tây của Tổ quốc, chuyến xe của đoàn thiện nguyện Tạp chí Con đường xanh do nhà báo Hoàng Minh Thành làm Trưởng đoàn cùng sự đồng hành của Hội Đồng ngũ 396 huyện Đan Phượng, TP Hà Nội và các doanh nghiệp, mạnh thường quân tổ chức. Đi qua những cung đường đèo cheo leo vách núi, băng qua những đoạn sương mù dày đặc để đến thăm và trao những phần quà nhỏ dành cho các em học sinh hiếu học vượt khó của trườngPTDTBT THCS Na Sang, trường Mầm non Na Sang 1 và Na Sang 2 (huyện Mường Chà), trường Mầm non Sen Thượng (huyện Mường Nhé) và trường Mầm non Thanh Yên (huyện Điện Biên).

Đoàn thiện nguyện do Tạp chí Con đường xanh tổ chức tại 3 huyện Điện Biên, Mường Chà, Mường Nhé của tỉnh Điện Biên

Lựa chọn thời điểm cuối năm, khi mùa đông tới, sương mù phủ khắp núi rừng Tây Bắc và cũng là lúc bọn trẻ khoác trên mình cái áo mỏng tang tới trường. Còn đoàn thiện nguyện mong rằng những chuyến xe đong đầy niềm hi vọng, yêu thương với những món quà thiết thực, để rồi đổi lại những ánh mắt hân hoan đón đoàn, những nụ cười rạng rỡ của các em học sinh khi nhận được những món quà mang hơi ấm đầu để rồi thắp lên ngọn lửa hy vọng và sưởi ấm cả tiết trời lạnh giá.

Vượt suối, băng rừng để vào trường Mầm non Sen Thượng huyện Mường Nhé

Đến với Mường Nhé, huyện có cột mốc số 0 A Pa Chải – nơi một tiếng gà gáy ba nước đều nghe là thấy được sự những khó khăn, vất vả của bà con nơi đây. Sen Thượng, một xã chỉ vượt qua quả đồi là nhìn thấy nước láng giềng Trung Quốc và cũng thấy các em học sinh ở đây với đôi chân đất, với chiếc áo mỏng… trước cái rét buốt của mùa đông. Trước những khó khăn của cô trò nơi đây, đoàn đã tiến hành trao nhiều vật chất như: Bạt dù che nắng, thùng rác, xoong chia cơm, thảm xốp cho mùa đông, rèm cửa… cùng bánh kẹo, sữa, mì tôm đến với nhà trường với tổng giá trị khoảng 35 triệu đồng. Mong rằng, những vật phẩm tuy giá trị không cao nhưng phần nào đó giúp cô trò nhà trường sớm ổn định trong mùa đông năm nay.

Vận chuyển hàng hoá vào trường mầm non Sen Thượng

Cô Nguyễn Thị Thu Hường - Hiệu trưởng trường mầm non Sen Thượng chia sẻ: Thật là xúc động biết bao, hôm nay cô trò nhà trường đã được đón đoàn thiện nguyện cùng với nhiều vật phẩm. Thế là mùa đông năm nay của các con đã được sưởi ấm bằng tình yêu thương, sẻ chia của đoàn thiện nguyện. Thay mặt cô trò, tôi xin gửi lời cám ơn và chúc đoàn thật nhiều sức khoẻ để tiếp tục những chuyến thiện nguyện đầy ý nghĩa, nhân văn này.

Đoàn trao nhiều vật phẩm trị giá khoảng 35 triệu cho trường mầm non Xã Sen Thượng

Đoàn đã trao tặng cho các bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Sen Thượng 1 bộ máy in

Bạn Hoàng Nguyên - thành viên trong đoàn thiện đã trích số tiền trong con lợn của mình để mua vở, dép, mì tôm và bánh kẹo cho các bạn học sinh tại điểm trường Tân Phong huyện Mường Nhé.

Sau Mường Nhé, đoàn thiện nguyện đến với huyện Mường Chà và tập trung là các trường nằm trên địa bàn xã Na Sang. Trường PTDTBT THCS Na Sang, nơi 100% học sinh trong trường là dân tộc Thái, H’Mông, Kháng, Khơ Mú và Phù Lá, có 18% trong đó thuộc hộ nghèo, 250 em phải ăn bán trú tại trường.

Trao quà tại trường PTDTBT THCS Na Sang 

Như trường PTDTBT THCS Na Sang, là một trường thiếu nhiều cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy học và bán trú của các em học sinh. Hay với Trường mầm non Na Sang 1 và Na Sang 2 cũng tương tự, các con luôn trong tình trạng thiếu cơ sở vật chất, đời sống thì hạn chế… nên các em học sinh luôn trong tình trạng thiếu dinh dưỡng, bé nhỏ. Tại đây, đoàn đã trao chăn ấm, gối, áo ấm, máy lọc nước, máy giặt, thảm cỏ, thảm xốp cùng mì tôm, sữa, bánh kẹo với tổng giá trị khoảng 100 triệu đồng.

Đoàn đã trao cho trường PTDTBT THCS Na Sang gồm nhiều vật phẩm như máy lọc nước, chăn, gối, mì tôm...

Chia sẻ với PV, thầy Phạm Hải Cường - Hiệu trưởng trường PTDTBT THCS Na Sang cho biết: Là một trường miền núi, cơ sở vật chất thiếu thốn, cuộc sống còn nhiều khó khăn vất vả. Hôm nay, đoàn thiện nguyện do Tạp chí Con đường xanh tổ chức đã trao gửi nhiều hiện vật có giá trị đến với nhà trường, đây là những món quà cùng tình cảm vô cùng trân quý từ những tấm lòng thiện nguyện khiến cho thầy trò nhà trường cảm thấy ấm lòng hơn trong mùa đông giá lạnh nơi vùng cao này. Chúng tôi xin hứa sẽ sử dụng các vật phẩm đúng mục đích, đúng đối tượng và mong rằng sẽ tiếp tục đón nhận những món quà thiện nguyện đến với các con trong thời gian tới.

Đoàn đến thăm và tặng quà tại trường mầm non Na Sang 1

Cô Điêu Thị Hà – Phó hiệu trưởng trường mầm non Na Sang 1 chia sẻ: Các con ở đây vất vả, khó khăn lắm anh, chị. Phần lớn là người dân tộc thiểu số nên cuộc sống gia đình lại càng khó khăn, nhiều khi các cô phải đến từng nhà, động viên gia đình đưa con đến trường. Những vật phẩm mà đoàn trao là những tình cảm cũng như động lực, như tiếp bước cho cô trò nhà trường trong công tác giảng dạy, học tập.

Đoàn trao quần áo và mì tôm cho trường mầm non Na Sang 2

Về với lòng chảo Điện Biên, đoàn đã đến thăm và trao quà cho các em học sinh Trường mầm non xã Thanh Yên - huyện Điện Biên. Ở đây, các em học sinh tuy có điều hơn nhưng cơ sở vật chất còn thiếu thốn… đoàn đã tiến hành trao 760 tấm xốp nền, 20 cái quạt,15 thùng sữa, mì tôm và bánh kẹo với tổng giá trị khoảng 35 triệu đồng.

Đoàn trao quà tại trường mầm non Thanh Yên 1 - huyện Điện Biên gồm nhiều vật phẩm trị giá khoảng 35 triệu đồng

Nhà báo Hoàng Minh Thành - lãnh đạo Tạp chí Con đường xanh, Trưởng đoàn thiện nguyện trao quà cho các em học sinh tại trường mầm non Sen Thượng

Nhà báo Hoàng Minh Thành - Trưởng đoàn thiện nguyện chia sẻ: Nối tiếp các chương trình thiện nguyện, năm nay Tạp chí Con đường xanh phối hợp với các doanh nghiệp, mạnh thường quân cùng Hội đồng ngũ 396 huyện Đan Phương, TP Hà Nội tổ chức chuyến thiện nguyện về các trường trên địa bàn 3 huyện Điện Biên, Mường Chà và Mường Nhé của tỉnh Điện Biên với tổng giá trị khoảng 200 triệu đồng. Có đi mới thấy cuộc sống của bà con nơi đây còn rất nhiều khó khăn, các em học sinh thì thiếu thốn cơ sở vật chất và việc dạy học của thầy cô gặp nhiều vất vả. Thấu hiểu và sẻ chia, đoàn đã mang nhiều vật phẩm đáp ứng đúng mục đích, đúng mong muốn của thầy trò nhà trường. Tuy các vật phẩm giá trị không cao nhưng đó là những tình cảm mà các doanh nghiệp, mạnh thường quân gửi đến nhà trường. Hi vọng các vật phẩm sẽ phần nào giúp cho công tác dạy và học của thầy trò được tốt hơn, các em học sinh có áo ấm để vượt qua mùa đông giá rét để tiếp tục tới trường.

Để chương trình “Sưởi ấm vùng cao” được tổ chức thành công, Tạp chí Con đường xanh xin gửi lời cám ơn đến Công ty CP Dịch vụ Thương mại Nam Trang, Công ty cổ phần vận tải và xây dựng Nam Hùng, Hội đồng ngũ 396 huyện Đan Phượng, Công ty cổ phần chuỗi thực phẩm TH, Tập đoàn Tân Á Đại Thành, Thẩm mỹ viện DrD, Viện thẩm mỹ Y khoa Dr. Hải Lê cùng các doanh nghiệp và mạnh thường quân đã ủng hộ, quyên góp để Đoàn thiện nguyên mang các vật phẩm đến với các trẻ em vùng cao.

Nhân dịp chuyến đi, Đoàn đã đến dâng hoa và thắp hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Biên Phủ.

Hành trình tuy không dài nhưng đã ghi lại những dấu ấn tốt đẹp trong cá nhân của từng thành viên trong đoàn cũng như đối với chính quyền, các thầy cô và các em học sinh tại Điện Biên. Thể hiện được truyền thống “lá lành đùm lá rách”- là văn hóa tốt đẹp ngàn đời của mỗi người dân Việt Nam. Dù cuộc sống còn nhiều thiếu thốn nhưng sự động viên tinh thần này chắc chắn sẽ giúp đồng bào nơi đây cảm thấy ấm áp hơn, từng bước vượt qua những khó khăn, dần ổn định cuộc sống tại nơi vùng núi quanh co cực Tây của Tổ quốc.