Thứ Sáu, ngày 25/04/2025 16:16 | HOTLINE : 0906.18.1357 | Email: bbt.giaothong360@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0906.18.1357
Pháp luật giao thông

Đến năm 2030, tự động hoá tối đa hoạt động kiểm định xe cơ giới

Thanh Sơn - 13:09 31/01/2024 GMT+7

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã phê duyệt đề án ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý và điều hành công tác đăng kiểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Số hóa toàn diện

Đến năm 2025, 100% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

Theo đề án, đến năm 2025, hoàn thiện các phần mềm nội bộ nhằm đảm bảo 100% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); tối thiểu 50% cuộc họp được thực hiện theo hình thức trực tuyến, tài liệu cuộc họp gửi thông qua môi trường trực tuyến nhằm giảm tối đa việc sử dụng tài liệu giấy.

Hình thành hệ thống thông tin báo cáo tập trung của Cục Đăng kiểm Việt Nam, kết nối các nguồn số liệu từ các hệ thống nghiệp vụ và số liệu của các cơ quan quản lý khác nhằm cung cấp số liệu, báo cáo đa chiều về hoạt động đăng kiểm phương tiện phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành chuyên ngành.

Đáng chú ý, về phục vụ người dân, doanh nghiệp, mục tiêu đến năm 2025: 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến; 100% hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết thuộc thẩm quyền giải quyết của Cục Đăng kiểm Việt Nam được quản lý theo dõi tiến độ xử lý trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Bộ Giao thông vận tải; tối thiểu 50% hồ sơ thủ tục hành chính được người dân và doanh nghiệp thực hiện trực tuyến từ xa. 100% dữ liệu phương tiện được quản lý thống nhất, xuyên suốt từ khâu thẩm định thiết kế, thử nghiệm, sản xuất/lắp ráp/đóng mới hoặc nhập khẩu đến khâu kiểm tra trong khai thác, sử dụng.

Năm 2025, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến.

"Nghiên cứu cung cấp hồ sơ, giấy đăng kiểm phương tiện dưới dạng điện tử thay thế hồ sơ giấy, giấy chứng nhận bản giấy. Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công an nghiên cứu tích hợp dữ liệu đăng kiểm phương tiện và giấy chứng nhận đăng kiểm vào ứng dụng định danh điện tử (VNeID) để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ mục tiêu.

Đến năm 2030, các hoạt động quản lý, điều hành của Cục Đăng kiểm Việt Nam được chuyển đổi số toàn diện để có thể triển khai quản lý, vận hành và giao tiếp với người dân, doanh nghiệp chủ yếu trên môi trường trực tuyến; tự động hóa tối đa các công tác liên quan đến kiểm tra, kiểm định phương tiện thông qua các hệ thống thiết bị và phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT).

Hoàn chỉnh các hệ thống công nghệ thông tin quản lý kiểm tra, kiểm định phương tiện giao thông, hướng tới hình thành dữ liệu quốc gia về phương tiện giao thông, nhằm quản lý xuyên suốt quá trình hình thành và khai thác của phương tiện; kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan, đơn vị liên quan để phát triển kinh tế, xã hội.

Giải pháp trọng tâm

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm.

Để hoàn thành các mục tiêu, đề án đưa ra 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, cũng như cụ thể hóa việc tổ chức thực hiện của Cục Đăng kiểm Việt Nam, các cơ quan, đơn vị của Bộ Giao thông vận tải; đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Giao thông vận tải thực hiện một số nội dung; nhiệm vụ của các đơn vị đăng kiểm.

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải sẽ rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm; quy định, phân cấp trách nhiệm của các chủ thể liên quan trong việc xây dựng hệ thống, khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ công tác quản lý, cung cấp dịch vụ kiểm tra, kiểm định phương tiện giao thông. 

Cùng với đó, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về dữ liệu đăng kiểm phương tiện, phục vụ công tác quản lý và khai thác dữ liệu. Hoàn thiện các quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng các hệ thống công nghệ thông tin liên quan đến đăng kiểm phương tiện.

Bộ Giao thông vận tải cũng sẽ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số chuyên ngành như: phương tiện cơ giới đường bộ, phương tiện thuỷ nội địa, tàu biển, đường sắt, lĩnh vực công trình biển. Đồng thời, chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho chuyển đổi số.

Chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho chuyển đổi số.

Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Vũ Hải cũng đã cho biết năm 2023, ngành Đăng kiểm trải qua những khó khăn, thách thức chưa từng có, sự thiếu hụt rất lớn nhân lực, nhất là lực lượng đăng kiểm viên khiến nhiều trung tâm đăng kiểm phải dừng hoạt động trong quý I-2023; tâm lý của công chức, viên chức, người lao động các đơn vị đăng kiểm hoang mang, lo lắng.

Trong khi đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có những hạn chế, không được sửa đổi, bổ sung kịp thời, các quy trình, hướng dẫn nghiệp vụ chậm thay đổi không đáp ứng nhu cầu thực tế; chưa thực hiện phân cấp, phân quyền, chưa phân định cụ thể trách nhiệm giữa cơ quan, đơn vị và các địa phương dẫn đến khi thực hiện nhiệm vụ đã nảy sinh nhiều bất cập.

Trước thực trạng này, được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã nỗ lực khắc phục khó khăn, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trên mọi mặt hoạt động; chủ động tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, chủ động giải quyết những vấn đề phát sinh, tồn tại kéo dài, từng bước phục hồi, ổn định hoạt động đăng kiểm. Đặc biệt, từ tháng 6/2023, đã giải quyết tình trạng ùn tắc phương tiện tại các trung tâm đăng kiểm.

Việc Bộ GTVT phê duyệt đề án cho thấy quyết tâm cải cách, ứng dụng CNTT, chuyển đổi số của lãnh đạo Bộ GTVT đối với lĩnh vực đăng kiểm. Đây được xem như tiền đề, là căn cứ để Cục Đăng kiểm Việt Nam cùng các đơn vị liên quan triển khai ứng dụng CNTT trong mọi lĩnh vực. Từ đó hướng đến mục tiêu tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, phát triển kinh tế xã hội.