Thứ Bảy, ngày 10/05/2025 10:04 | HOTLINE : 0906.18.1357 | Email: bbt.giaothong360@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0906.18.1357
Kinh tế hạ tầng

Tập đoàn Sơn Hà đầu tư dự án KCN Tam Dương: Ông Lê Vĩnh Sơn đã nói những gì?

21:01 16/11/2022 GMT+7

Ông Lê Vĩnh Sơn – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà (Tập đoàn Sơn Hà) đã nói, mục tiêu năm 2022 sẽ có doanh thu từ 40ha đất thương phẩm tại dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Tam Dương I - khu vực 2, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc (dự án KCN Tam Dương). Thế nhưng cho đến nay, dự án vẫn chưa hoàn thành việc bồi thường GPMB và có nhiều nghi ngờ về dòng tiền từ đợt phát hành cổ phiếu…

Tháng 3/2021, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định chủ trương đầu tư dự án KCN Tam Dương. Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng, kinh doanh đất có hạ tầng và kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, sử dụng 162,33 ha đất. Tổng mức đầu tư dự án là 1.316,12 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 198,734 tỷ đồng. Thời hạn thực hiện dự án là 50 năm kể từ ngày được quyết định chủ trương đầu tư.

Dự án xây dựng kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Tam Dương I (Ảnh: Sonha.com.vn)

Để có vốn, ngày 05/06/2021 Tập đoàn Sơn Hà đã có Nghị quyết số 01/2021/NQ-ĐHĐCĐ/SH về việc chào bán cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu tăng vốn điều lệ, nhằm bổ sung nguồn vốn để đầu tư dự án dự án KCN Tam Dương và các dự án đầu tư khác (nếu có).

Kết quả là Tập đoàn đã phát hành là 49.652.206 cổ phiếu, huy động được 496,5 tỷ đồng. Và, tính đến ngày 10/7/2022, Tập đoàn Sơn Hà đã sử dụng hết 426,5 tỷ đồng, còn lại hơn 70 tỷ đồng. Tập đoàn lý giải rằng, số tiền này được dùng để hoàn thiện thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công, hoàn thiện công tác lập bản đồ dải thửa, bản đồ đo vẽ hiện trạng phục vụ GPMB, cắm mốc GPMB, đang triển khai GPMB.

Trên báo cáo là vậy, song thực tế dự án chưa thể thi công, công tác bồi thường GPMB cũng chưa hoàn thành. Vậy, số tiền trên đã được Tập đoàn Sơn Hà chi như thế nào?

Ở một diễn biến khác, được biết rằng, tháng 10/2021 Tập đoàn Sơn Hà đã ký Hợp đồng số 1012/2021/HĐTC/SH-Phương Nam và chi cho Công ty cổ phần Thương mại đầu tư Phương Nam (bên liên quan) 158 tỷ đồng;

Cùng với đó, Tập đoàn ký Hợp đồng số 22-12/2021/HĐTC/SH-NM và chi cho Công ty TNHH thương mại Inox Nhật Minh 57 tỷ đồng; Ký Hợp đồng số 22-12/2021/HĐTC/SH-NM chi 50 tỷ đồng cho Công ty cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Minh Ngọc. Điều đáng nói là, tại thời điểm ký hợp đồng, Tập đoàn Sơn Hà chưa có mặt bằng để thi công. Như vậy, dòng tiền mấy trăm tỷ của Sơn Hà được “trao không” cho doanh nghiệp suốt gần một năm ròng.

Trên báo cáo tài chính quý III/2022 thể hiện, Tập đoàn Sơn Hà đã thanh lý hợp đồng. Nói là thanh lý hợp đồng nhưng có vẻ là một cách “thay áo” khác. Bởi, đầu năm 2022, Tập đoàn Sơn Hà đã ký Hợp đồng số 002/2022/HĐTCXD-SHI với Công ty TNHH Kinh doanh dịch vụ Hoàng An, hợp đồng này có giá trị 108,8 tỷ và cho tạm ứng 50% giá trị hợp đồng tương đương 54,4 tỷ đồng sau 10 ngày kể từ ngày ký hợp đồng. Theo thỏa thuận thì hợp đồng này có nội dung là thiết kế, thi công xây dựng và cung cấp lắp đặt hệ thống xử lý nước thải thuộc dự án KCN Tam Dương,..

Chưa hết, dòng tiền tiếp tục được đẩy vào Công ty cổ phần Thương mại XNH Minh Ngọc khi hai bên ký Hợp đồng số 001/2022/HĐTCXD-SHI, số 1512/2021/HĐTCXD-SH-MN với Công ty cổ phần Thương mại XNH Minh Ngọc. Hợp đồng này có giá trị là 720 tỷ đồng, Tập đoàn Sơn Hà đã chi cho Công ty cổ phần Thương mại XNH Minh Ngọc 352 tỷ đồng sau 10 ngày kể từ ngày ký hợp đồng.

Được biết rằng, cổ đông sáng lập của Công ty cổ phần Thương mại XNH Minh Ngọc là ông Lê Văn Thành, ông Vi Công Nam, ông Đinh Văn Quân. Trong đó, ông Lê Văn Thành, ông Đinh Văn Quân từng là cổ đông lớn của Tập đoàn Sơn Hà, còn ông Vi Văn Công đang công tác tại một đơn vị thuộc Tập đoàn Sơn Hà; Và, Công ty TNHH Kinh doanh dịch vụ Hoàng An có cổ đông sáng lập là các ông bà Trương Anh Tú, Hoàng Thảo Thùy Trang và Nguyễn Hải.

Đến nay, dự án vẫn chưa được triển khai. Vậy, Công ty cổ phần Thương mại XNH Minh Ngọc, Công ty TNHH Kinh doanh dịch vụ Hoàng An đã dùng số tiền hơn 400 tỷ đồng vào việc gì?

Còn trước đó, tại buổi họp Đại hội đồng cổ đông thương niên năm 2022, ông Lê Vĩnh Sơn đã trả lời và nhấn mạnh: Dự kiến đến cuối tháng 4, đầu tháng 5 Sơn Hà sẽ giải phóng được khoảng 50-60% mặt bằng và xin phép triển khai xây dựng dự án. “Sơn Hà đặt mục tiêu năm nay sẽ có doanh thu từ KCN này. Tỷ lệ khai thác được là 30-40 ha đất thương phẩm. Các nhà đầu tư  nước ngoài hiện nay rất quan tâm đến KCN Tam Dương, một số nhà đầu tư đã bắt đầu ký hợp đồng MOU (ghi nhớ/thỏa thuận) với Sơn Hà”.

Vậy, những lời nói của ông “Lê Vĩnh Sơn” có phải là nói “khéo” hay không? Bởi trên báo cáo hợp nhất năm 2021 và đầu năm 2022 thể hiện Tập đoàn đã ký hợp đồng số 0110/2021/HĐHT/SH-VNET ngày 1/10/2021 với Công ty cổ phần Công nghệ điện tử và Viễn thông Việt Nam đầu tư số tiền 545,6 tỷ đồng. Để được quyền ưu tiên nhận chuyển nhượng tối đa 10ha đất đầu tiên trong tất các các vị trí đất của dự án KCN Tam Dương sau khi dự án hoàn thiện cơ sở hạ tầng và đủ điều kiện chuyển nhượng theo quy định. Nhưng thực tế, mối quan hệ giữa Tập đoàn Sơn Hà với đối tác này như thế nào thì nhà đầu tư cũng nên tìm hiểu kỹ.

Ngày 16/06/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về “tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Trong đó nhấn mạnh: Việc thu hồi đất phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; chỉ được thực hiện sau khi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt. Đối với trường hợp thu hồi đất mà phải bố trí tái định cư thì phải hoàn thành bố trí tái định cư trước khi thu hồi đất. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; có quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Thực hiện có hiệu quả việc đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống cho người có đất bị thu hồi. Tiếp tục thực hiện thí điểm và sớm tổng kết chủ trương tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư để thực hiện trước.