Thứ Sáu, ngày 25/04/2025 07:32 | HOTLINE : 0906.18.1357 | Email: bbt.giaothong360@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0906.18.1357
An toàn giao thông

Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông khi học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện

Duy Phương - 07:11 23/06/2023 GMT+7

Hiện nay, nhiều học sinh sử dụng xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe trên 50 phân khối dẫn tới nguy cơ mất an toàn giao thông.

An toàn giao thông quốc gia luôn là chủ đề được toàn xã hội quan tâm bởi những ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng của con người. Thực trạng an toàn giao thông học đường càng được chú ý hơn khi những người tham gia giao thông là học sinh ở độ tuổi thích khám phá và thể hiện bản thân.

Đánh cược tính mạng

Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, năm 2022 toàn quốc xảy ra 11.450 vụ tai nạn giao thông làm chết 6.384 người, bị thương 7.804 người. So với năm 2021, giảm 36 vụ (-0,31%); tăng 596 người chết (+10,30%); giảm 214 người bị thương (-2,67%).

Biểu đồ tình hình tai nạn giao thông năm 2022. (Bộ Công an)

Trong đó, từ năm 2020 đến tháng 9/2022, cả nước đã xảy ra 1.570 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, sinh viên, làm chết 864 người, bị thương 1.794 người. Nguyên nhân chính là do sự kém hiểu biết kiến thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Con số này gia tăng theo từng năm khi các phương tiện lưu thông của học sinh như xe máy điện, xe đạp điện ngày càng phổ biến.

Học sinh một trường THPT tại Hà Nội điều khiển xe máy điện tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm.

Tại thủ đô Hà Nội, hình ảnh học sinh đi xe máy điện, xe đạp điện, thậm chí cả xe máy trên 50 phân khối nhưng không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng, dàn hàng hai, hàng ba không quá hiếm gặp. Trên thực tế, số lượng học sinh sử dụng xe đạp thường, phương tiện công cộng, hay được phụ huynh đưa đón ở các cấp THCS, THPT hiện nay không còn quá lớn bởi những tiện ích vượt trội như tiết kiệm thời gian, chi phí của xe đạp điện, xe máy điện.

Chị Hằng, chủ cửa hàng kinh doanh đồ ăn gần cổng trường THPT Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết lượng học sinh đi xe máy điện, đạp điện đến trường tăng mạnh trong vài năm trở lại đây. Chủ cửa hàng ăn cảm thấy rất bất an khi nhiều học sinh chưa có bằng lái và chưa đủ điều kiện điều khiển xe máy phân khối lớn nhưng vẫn ngang nhiên lưu thông tới trường. 

“Nhiều lần tôi cũng giật thót tim khi thấy các cháu không đội mũ bảo hiểm mà phóng xe máy vèo vèo, tạt đầu ô tô, có khi còn kéo đẩy nhau thành hàng ngang trên đường vô cùng nguy hiểm”, chị Hằng kể lại.

Cùng ghi nhận thực trạng học sinh không tuân thủ luật an toàn giao thông, anh Bình, hộ dân sinh sống gần trường THPT Lê Quý Đôn, Đống Đa, Hà Nội, cũng lo lắng mỗi khi đi tập thể dục buổi sáng về cùng giờ học sinh tới trường. 

“Tôi thường đi nép sát vào phía bên trong lề đường vì nhiều cháu sợ đi học muộn nên lái xe rất nhanh, lạng lách, lấn cả vỉa hè, chỉ cần không chú ý vài giây sẽ rất dễ xảy ra tai nạn với người đi bộ”, anh Bình chia sẻ.

Nhiều học sinh ngang nhiên sử dụng xe trên 50 phân khối tham gia giao thông.

Đặc biệt trong những ngày thời tiết mưa nắng thất thường, oi bức tại Thủ đô, khung giờ tan học buổi trưa, chiều là thời điểm mất an toàn giao thông học đường đỉnh điểm. Nhiều vụ việc thương tâm đã xảy ra khi học sinh điều khiển xe phân khối lớn chạy với tốc độ cao và không đội mũ bảo hiểm.

Một số học sinh vừa tham gia giao thông vừa sử dụng điện thoại gây mất an toàn giao thông.

Mới đây, một nam sinh 17 tuổi khi lưu thông qua hầm chui Thanh Xuân, Hà Nội thì bất ngờ mất lái do đường trơn trượt. Hậu quả thiếu niên đã va chạm với thành hầm chui dẫn tới thiệt mạng. Hay vụ việc xảy ra vào cuối năm ngoái khi một nhóm nam sinh điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm, chạy xe với tốc độ cao, một trong số đó đã mất lái và lao vào chậu cây bên đường. Vụ tai nạn khiến em học sinh điều khiển phương tiện tử vong tại chỗ.

Trách nhiệm của gia đình và nhà trường

Ở độ tuổi thanh thiếu niên, việc các em học sinh tò mò, muốn khám phá và trải nghiệm những cảm giác mới khi điều khiển những loại phương tiện có phân khối lớn là không tránh khỏi. Dù vậy, từ những vụ tai nạn giao thông học đường thương tâm, có thể thấy vai trò giáo dục ý thức và cung cấp kiến thức cho học sinh về các kỹ năng khi tham gia giao thông phải được đặt lên hàng đầu. 

Cần giáo dục ý thức và kiến thức cho học sinh không vi phạm luật giao thông cơ bản.

Để khai thác hiệu quả các tính năng tiện ích của các phương tiện như xe máy điện, xe đạp điện, phụ huynh học sinh cần phối kết hợp cùng nhà trường tuyên truyền, giáo dục học sinh chỉ sử dụng phương tiện khi đạt độ tuổi cho phép theo quy định của pháp luật. Bởi khi đủ độ tuổi, đủ sức khỏe, tâm lý và có giấy phép lái xe, người điều khiển phương tiện mới có thể đảm bảo an toàn cho bản thân và những người tham gia giao thông khác. 

Bên cạnh đó, các trường học phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong việc giữ gìn trật tự an toàn giao thông, đẩy mạnh các cuộc vận động và triển khai, mô hình an toàn giao thông trên toàn quốc. Tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chương trình, tài liệu giảng dạy và đưa nội dung giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông và văn hóa khi tham gia giao thông vào chương trình chính khóa dưới hình thức tích hợp, lồng ghép vào nội dung một số môn học và hoạt động giáo dục từ cấp mầm non đến trung học phổ thông và đại học; tăng thời lượng thực hành, trải nghiệm thực tế.

Xử lý quyết liệt hơn những hành vi vi phạm luật giao thông của học sinh nhằm đảm bảo an toàn giao thông học đường.

Ngoài ra, việc xử lý học sinh vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông cần quyết liệt hơn, hiện tại, hầu hết các trường hợp vi phạm mới chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, hoặc nếu có thông báo gửi về trường thì nặng nhất cũng chỉ bị phê bình trước lớp. Thậm chí, khi bị bắt lỗi, chính các bậc phụ huynh lại gây khó dễ cho lực lượng chức năng, khiến công tác xử lý học sinh vi phạm giao thông chưa đạt hiệu quả cao. Vậy nên, công tác quản lý và nâng cao ý thức, trách nhiệm đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh cần phải được các nhà trường, phụ huynh và cơ quan chức năng phối kết hợp thực hiện để nâng cao hiệu quả.

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 60 Luật giao thông đường bộ, người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 phân khối. Theo đó, tất cả những xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 phân khối thì người điều khiển phải đủ 16 tuổi.

Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 171/2013/NĐ-CP có quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển xe cơ giới như sau: Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe môtô hoặc điều khiển xe ôtô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ôtô.