Thứ Tư, ngày 07/05/2025 13:45 | HOTLINE : 0906.18.1357 | Email: bbt.giaothong360@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0906.18.1357
Pháp luật giao thông

Tận thấy xe khách bỏ bến, chạy dù: “Con voi chui lọt lỗ kim”

Hạ Lan - 09:34 09/11/2022 GMT+7

Thực trạng xe khách bỏ bến, chạy dù không chỉ khiến Nhà nước thất thu thuế, phí, phá vỡ trật tự vận tải hành khách mà còn gây mất trật tự ATGT; gây ra sự bất bình đẳng đối với các doanh nghiệp vận tải làm ăn chân chính. Xe dù, bến cóc hoạt động công khai quanh bến xe

Sáng 3/11, PV Tạp chí Con Đường Xanh có mặt tại khu vực bến xe Mỹ Đình, Hà Nội. Trong vai hành khách, PV liên tục được các xe ôm cho địa chỉ cụ thể nhà xe về các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng… Đáng nói, đây đều là những xe được phân tuyến phải đón trả khách ở khu vực bến xe Giáp Bát, Yên Nghĩa và Nước Ngầm.

Trong vai hành khách có nhu cầu về Hải Phòng, chúng tôi được một xe ôm dẫn tới địa chỉ số 1, đường Mỹ Đình, cạnh cổng ra BX Mỹ Đình để mua vé. Theo quan sát, toàn bộ khu vực vỉa hè, lòng đường tại địa chỉ này đã bị Công ty Hải An chiếm dụng, tổ chức hoạt động theo mô hình bến xe khách liên tỉnh đi các tuyến: Hải Dương - Quảng Ninh - Hải Phòng.

Sắp đến giờ xe chạy, tụ điểm này càng lúc càng đông. Ước tính khoảng 15 - 20 người chật kín cả phòng vé.

Xe khách mang BKS 15B-029.20 treo biển Hải Phòng, đậu ngay cổng sau BX Mỹ Đình bắt khách trái quy định. Ảnh chụp lúc 9h30 sáng 3/11.
Xe khách mang BKS 15B-029.20 treo biển Hải Phòng, đậu ngay cổng sau BX Mỹ Đình bắt khách trái quy định. Ảnh chụp lúc 9h30 sáng 3/11.

Khoảng 8h, xe khách BKS 15B-029.20 xuất hiện, trên xe không hề có tên nhà xe hay lộ trình chạy (theo quy định xe tuyến cố định hoặc hợp đồng phải có phù hiệu, tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải).

Có mặt tại số 11 ngõ 70, đường Nguyễn Hoàng, phường Mỹ Đình 2 (Q.Nam Từ Liêm), PV ghi nhận hàng chục hành khách đứng chờ xe đi các tỉnh. Tại đây, trên biển nhà xe Minh Dũng ngang nhiên ghi thông tin đón khách đi Ninh Bình, 4 - 5 người đàn ông thay nhau đón khách. Cộng với sự trợ giúp của lực lượng taxi, xe ôm, GrabBike nên các nhà xe thỏa sức “tung hoành”, khiến nơi đây không khác một bến xe thu nhỏ.

Theo ghi nhận của PV, tại nhiều thời điểm trong ngày, nhà xe Minh Dũng tập trung từ 2 - 3 chiếc xe khách loại trên 30 chỗ đậu đỗ trước cửa văn phòng, lấn chiếm lòng đường khiến giao thông ách tắc, gây bức xúc cho người dân.

Tình trạng này tương tự ở khu vực bến xe Nước Ngầm cụ thể là phố Bùi Huy Bích, điểm giao cắt giữa ngã 3 Pháp Vân - Trần Thủ Độ - khu đô thị Pháp Vân, Đồng Tàu... Các nhà xe cũng có văn phòng đại diện gần khu vực bến xe hoặc đỗ ở bến cóc thuận lợi.

Lúc 12h ngày 2/11, PV liên hệ đặt vé xe nhà xe Mai Linh Willer qua số tổng đài để đi về Thanh Hoá. Nhà xe này cho biết có chuyến sắp chạy và yêu cầu PV ra văn phòng ở địa chỉ số 18 ngõ 69, phố Bùi Huy Bích (đối diện CA quận Hoàng Mai), có xe đang đợi sẵn ở đó.

PV nói mình đang trong bến Nước Ngầm thì nhà xe cho biết “xe chỉ vào bến đóng lệnh, còn khách đi xe phải ra văn phòng”. Khi đến văn phòng ở hãng xe Mai Linh Willer trên phố Bùi Huy Bích, PV nhận thấy đây như “đại bản doanh” của nhiều xe khách chạy chui. Hoạt động nhận hàng, đón trả khách diễn ra rầm rộ như bến xe.

Tại khu đô thị Đồng Tàu, phường Thịnh Liệt, lâu nay cũng trở thành “bến cóc” của xe chạy dù. Chiều ngày 2/11, PV ghi nhận nhiều xe logo Giang Anh - Tuấn Nghĩa, Hoàng Đông, Nam Quỳnh Anh, Hào Hương, 17 Plus... túc trực ở đây để đón khách, nhận hàng hóa.

Xe logo Giang Anh – Tuấn Nghĩa biến khu đô thị Đồng Tàu thành nơi đón, trả khách, hàng hoá.

Trong vai hành khách, PV vừa đến nơi lập tức được một người phụ xe của hãng Giang Anh - Tuấn Nghĩa hỏi đi đâu. PV cho biết muốn đi về thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) thì người này yêu cầu lên xe ngồi đợi và cho biết, đang chờ thêm mấy người khách nữa, đủ giờ sẽ chạy.

Xe khách đua nhau bỏ bến

Theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội, hiện có 85 xe khách của gần 30 doanh nghiệp, hợp tác kinh doanh vận tải đã đăng ký tuyến hoạt động tại Bến xe Nước Ngầm kết nối với các địa phương nhưng không đưa xe vào hoạt động.

Đáng chú ý, Công ty TNHH Vận tải Vân Anh có tới 40 nốt giờ đã đăng ký tuyến Bến xe Nước Ngầm - Bến xe phía Bắc Thanh Hóa nhưng không hoạt động; Công ty cổ phần Vận tải ô tô Hà Tĩnh có 2 nốt giờ tuyến Bến xe Nước Ngầm - Bến xe Hà Tĩnh; Công ty TNHH Long Thu có 4 nốt giờ tuyến Bến xe Nước Ngầm - Bến xe Quỳnh Côi (Thái Bình). Ngoài ra, đơn vị này còn có 2 nốt xe đăng ký tuyến Bến xe Nước Ngầm - Bến xe Bồng Tiến (Thái Bình) và Bến xe Nước Ngầm - Bến xe Hưng Hà (Thái Bình) nhưng cũng không đưa xe vào hoạt động…

Đại diện bến xe Nước Ngầm cho biết, tình trạng xe bỏ bến đã lác đác xảy ra từ năm 2017 nhưng rộ lên từ đầu năm 2019 đến nay. Hiện, phần lớn các xe đã không đăng ký khai thác vận tải khách và có giấy xin ngừng hoạt động. Đây chủ yếu là các xe thuộc tuyến Nước Ngầm đi các tỉnh: phía Nam và được điều chuyển từ bến xe Mỹ Đình về từ năm 2017.

Phía bến xe Giáp Bát, Giám đốc Nguyễn Tất Thành cho biết, hiện tại bến có khoảng gần 100 nốt xe của hàng chục doanh nghiệp không hoạt động hoặc hoạt động với tỉ lệ rất thấp, chỉ từ 10-30%.

Đơn cử như tuyến Ninh Bình, Vụ Bản, Trực Ninh (Nam Định) còn không có xe hoạt động. Trước đây mỗi ngày bến có khoảng 800 lượt xe xuất bến, nhưng hiện nay chỉ có khoảng 300 - 400 lượt.

Với bến xe Mỹ Đình, bình thường bến có 900 lượt xe xuất bến/ngày, nhưng kể từ cuối năm 2020 đến nay chỉ khoảng có 400 - 500 lượt (giảm khoảng 50%).

Ông Lý Trường Sơn, Giám đốc bến xe Mỹ Đình cho biết, từ nhiều tháng nay tại bến xe Mỹ Đình xuất hiện hàng chục nhà xe bỏ bến. Chủ yếu là các tuyến ngắn dưới 200km đi Thái Nguyên, Phú Thọ, Yên Bái…

“Các nhà xe hoạt động dưới 70% số chuyến theo biểu đồ hoặc bỏ bến đều đưa ra lý do xe hỏng phải sửa chữa, xe bị tai nạn. Tuy nhiên, thực tế, không ít nhà xe bỏ bến lén lút ra ngoài đón trả khách”, ông Sơn cho hay.

Theo ông Thân Văn Thanh - nguyên Chánh Văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia, tác hại lớn nhất cho ngành vận tải. Những nhà xe ở trong bến thì phải đóng thuế và mất phí bến bãi, trong khi xe dù trốn được những khoản này. Trong khi đó, hành khách cũng sẽ thiệt thòi khi bị “chặt chém”, chất lượng dịch vụ không được đảm bảo nhưng không biết kêu ai.

“Về chế tài xử lý, hiện nay, Thông tư 12, Nghị định 10 quy định rất cụ thể về điều kiện kinh doanh vận tải, vấn đề là lực lượng chức năng có xử lý nghiêm hay không mà thôi”, ông Thanh nói.

 

Tăng cường TTKS, gắn trách nhiệm lãnh đạo

Sở GTVT Hà Nội vừa có văn bản đề nghị Công an TP Hà Nội chỉ đạo lực lượng CSGT phối hợp với TTGT tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm phương tiện vận tải khách vi phạm; chỉ đạo công an các quận, huyện tăng cường phối hợp với lực lượng TTGT và chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát và xử lý kiên quyết, dứt điểm, không để hình thành tụ điểm “bến cóc” trên địa bàn quản lý.

Sở cũng đề nghị UBND các quận, huyện chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải; yêu cầu TTGT xây dựng kế hoạch tổng kiểm tra, xử lý vi phạm theo các khu vực, tuyến đường, địa điểm đã rà soát; gắn trách nhiệm của lãnh đạo Thanh tra Sở và Đội trưởng Đội TTGT có liên quan trong quá trình thực thi công