Thứ Tư, ngày 30/04/2025 05:21 | HOTLINE : 0906.18.1357 | Email: bbt.giaothong360@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0906.18.1357
Giao thông

Đẩy mạnh phát triển đa dạng giao thông công cộng tại Hà Nội

Thanh Sơn - 07:00 29/10/2023 GMT+7

Để giảm thiểu thực trạng ùn tắc giao thông, đảm bảo an toàn giao thông cho người dân, Hà Nội đang từng bước đẩy mạnh phát triển và đa dạng các loại phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, tàu điện, xe đạp,...

Song song với quá trình hiện đại hóa, quy mô dân số của Hà Nội hiện đã lên tới hơn 8,3 triệu dân. Theo thống kê, Thủ đô đang có khoảng 7,78 triệu phương tiện, trong đó có hơn 1 triệu ô tô và hơn 6,5 triệu xe máy, gần 200 nghìn xe máy điện. Con số này chưa bao gồm phương tiện của lực lượng vũ trang, xe biển ngoại giao, biển quốc tế và của các tỉnh khác lưu thông trên thành phố.

Đẩy mạnh các loại hình giao thông công cộng.

Với lưu lượng phương tiện tham gia giao thông dày đặc, Hà Nội đã và đang từng bước chú trọng phát triển hệ thống giao thông công cộng, đa dạng hóa các loại hình nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân. 

Xanh hóa” xe buýt trong tương lai

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, đến nay, trên địa bàn Hà Nội có 2.279 xe buýt, trong đó có 277 xe buýt sử dụng nhiên liệu, năng lượng sạch, đạt 13,6% toàn mạng. Hơn 2.000 xe còn lại (tương ứng 86,8%) đang sử dụng nhiên liệu diesel cần được thay thế sang sử dụng nhiên liệu, năng lượng sạch.

Nội chủ trương xanh hóa” xe buýt trong tương lai.

Trong năm 2022, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã chấp thuận cho phép mở mới, đưa vào khai thác 10 tuyến buýt điện, trong đó có tuyến E10, chạy tuyến Khu đô thị Ocean Park-sân bay Nội Bài. Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải có văn bản thống nhất với đề xuất của UBND thành phố Hà Nội để mở tuyến xe buýt điện từ nội thành Hà Nội đến sân bay Nội Bài.

Bên cạnh việc mở rộng các tuyến xe buýt, Hà Nội xác định phát triển xe buýt là xu thế tất yếu và chủ trương “xanh hóa” loại hình giao thông công cộng này trong tương lai. Theo Quyết định 876/QĐ - TTg năm 2022 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane (khí mê-tan) của ngành Giao thông Vận tải, trong lĩnh vực giao thông đô thị, từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.

Từ năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh.

Đường sắt trên cao

Tuy mới chỉ được đưa vào khai thác trong thời gian ngắn, nhưng tuyến tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông đã trở thành phương tiện giao thông công cộng tất yếu của nhiều người dân sinh sống và làm việc tại thủ đô. Kể từ khi được đưa vào sử dụng, tuyến đường sắt trên cao cũng đã tác động tích cực tới hệ thống giao thông tại thủ đô, giảm thiểu ùn tắc tại một số nút giao tại các quận Đống Đa, Hà Đông,...

Tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông phát triển giúp giảm tải ùn tắc giao thông nội đô.

Đại diện Hanoi Metro cho biết, sau khi đi vào vận hành, số lượng hành khách tăng do người dân nhận thấy đây là loại phương tiện vận chuyển tiện lợi, ổn định, không bị ảnh hưởng tắc đường nên dần hình thành văn hóa metro. Đặc biệt, hành khách sử dụng tàu điện làm phương tiện đi lại đã chấp nhận đi bộ xa hơn trước đây cũng như đồng ý tiếp chuyển với xe bus được kết nối ở các nhà ga trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. 

Một nhân viên bảo vệ tại tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông cũng cho biết lượng khách sử dụng loại hình phương tiện này đang ngày càng tăng cao. Đặc biệt vào những ngày cuối tuần, nhu cầu di chuyển của người dân tăng đột biến. 

“Người dân ngày càng sử dụng tàu điện trên cao nhiều hơn bởi gia thành rẻ, tiết kiệm thời gian và đặc biệt là tránh cảnh tắc đường”, nhân viên bảo vệ chia sẻ.

Hiện nay, đường sắt Cát Linh-Hà Đông mỗi ngày có trên dưới 10.000 người đi vé tháng. Ngày bình thường có hơn 32.000 lượt hành khách, ngày cuối tuần (thứ bảy và chủ nhật) dao động từ 26.000-28.000 khách, lượng khách đi trải nghiệm đã bão hòa và khách đi lại thường xuyên từ 5.000-6.000 người. Khung giờ cao điểm của tuyến buổi sáng từ 7 giờ đến 8 giờ 30 phút, buổi chiều 16 giờ 30 phút đến 18 giờ đã góp phần giảm ùn tắc, giảm ô nhiễm môi trường trên hành lang của tuyến.

Có thể nói, tàu điện đã chứng minh được ưu thế của phương thức vận tải nhanh, khối lượng lớn trong hoạt động vận tải hành khách công cộng tại các đô thị lớn, đặc biệt có khả năng giải quyết cơ “bài toán” ùn tắc giao thông. 

Người dân dần lựa chọn tàu điện trên cao là phương tiện di chuyển chính thay cho phương tiện cá nhân.

Theo Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro), quý I/2023, tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh-Hà Đông đã vận chuyển được hơn 2,65 triệu lượt hành khách, tăng 262% so cùng kỳ năm 2022. 

Xe đạp công cộng 

Vừa mới ra mắt vào cuối tháng 8, nhưng dịch vụ xe đạp công cộng tại Hà Nội đã nhanh chóng thu hút nhiều người sử dụng.

Chỉ sau gần nửa tháng đi vào hoạt động, dịch vụ xe đạp công cộng trên địa bàn Hà Nội đã có hơn 36 nghìn tài khoản mở mới; 25.208 chuyến xe đạp công cộng được vận hành với 163.600 km, tổng số giờ thuê là 25.649 giờ.

Dịch vụ xe đạp công cộng được đưa vào sử dụng nhằm xanh hóa các loại hình giao thông công cộng.

Với việc đưa xe đạp vào khai thác, Hà Nội đang từng bước cụ thể hóa mục tiêu "xanh hóa" phương tiện giao thông công cộng. Theo các chuyên gia môi trường, để cải thiện chất lượng không khí một cách bền vững, việc phát triển giao thông xanh là rất cần thiết, nhằm hạn chế thải khí CO2 và các loại khí thải độc hại khác ra môi trường.

Bởi lẽ, giao thông xanh sử dụng năng lượng tái tạo, điện, khí thiên nhiên nén. Việc sử dụng xe đạp, xe máy, ô-tô điện, xe chạy bằng khí nén CNG, xe sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió... chính là tham gia giao thông xanh, bảo đảm môi trường.

Mới đây, Tổng công ty Vận tải Hà Nội cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác với một doanh nghiệp của Nga, chuẩn bị cho ra đời nhiều tuyến buýt sạch khác. Cùng với đó, thành phố đã cấp phép hoạt động cho hàng nghìn xe taxi điện; đưa xe đạp, xe đạp điện công cộng vào phục vụ nhu cầu đi lại của người dân tại một số quận nội thành.