Thư Hai, ngày 12/05/2025 04:51 | HOTLINE : 0906.18.1357 | Email: bbt.giaothong360@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0906.18.1357
An toàn giao thông

Lấn chiếm lòng đường, vỉa hè ở quận Hà Đông: Bài toán khó có lời giải!

Trần Ngọc - 09:56 07/09/2023 GMT+7

Thành Uỷ, HĐND-UBND Thành phố Hà Nội đã có chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong việc đảm bảo trật tự, văn minh và mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trên nhiều tuyến đường trên địa bàn quận Hà Đông (Hà Nội) vẫn diễn ra gây bức xúc dư luận.

Thời gian vừa qua nhằm tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Trung Ương, Chính Phủ, Bộ Công an, Thành Uỷ, HĐND và UBND Thành phố về công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng (TT, ATGT, TTĐT, TTCC); đồng thời thực hiện có hiệu quả năm An toàn giao thông 2023 với chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”; Kế hoạch số 344/KH-UBND ngày 29/12/2022 về thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023; ý kiến chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, UBND Thành phố, Bộ Công an trong thời gian qua về việc khẩn trương lập lại trật tự văn minh đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội; Ban Chỉ đạo 197 thành phố xây dựng Kế hoạch: “Tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2023”.

Tuyến phố Nguyễn Văn Lộc được UBND quận thí điểm tuyến phố văn minh đô thị nhưng thực trạng thì trái ngược.

Quá trình thực hiện đảm bảo đúng quy định của pháp luật, chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố; đảm bảo toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo, “làm đến đâu dứt điểm đến đó”, huy động được sức mạnh của hệ thống chính trị. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

Tuy vậy, trong khi toàn thành phố đang gấp rút, nỗ lực thực hiện quyết liệt theo văn bản chỉ đạo chung thì theo phản ánh của người dân, thời gian qua, trên địa bàn các phường như: Dương Nội, La Khê, Phú La, Hà Cầu, Yết Kiêu, Mộ Lao, Phúc La thuộc địa bàn quận Hà Đông vẫn xảy ra tình trạng lòng đường, vỉa hè thường xuyên bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh, buôn bán… làm ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông của các phương tiện lưu thông và người đi bộ.

Nhiều cửa hàng lấn chiếm lòng đường vỉa hè để kinh doanh buôn bán tại phố Chu Văn An.

Có mặt tại khu vực phố Nguyễn Văn Lộc, phố Chu Văn An, phố Lê Lai, khu liền kề mới An Hưng, KĐT Nam Cường, CT2B, CT5, CT6 – Khu đô thị Văn Khê,... theo ghi nhận của nhóm phóng viên, hàng loạt cửa hàng kinh doanh, nhà hàng ăn uống, quán bia, các quán cà phê lấn chiếm lòng đường và vỉa hè, gây cản trở cho việc di chuyển của người dân… bất chấp quy định của pháp luật.

Điều đáng nói, đây là những khu vực thuộc các phường nêu trên, ngoài tình trạng vỉa hè bị chiếm dụng với mục đích kinh doanh, thì nhiều nơi lòng đường còn bị “biến tướng” để trở thành điểm dừng, đỗ các phương tiện ô tô, xe máy tràn lan. Có nhiều xe ô tô còn đỗ hẳn vào làn dừng đón trả khách tại điểm dừng xe buýt, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và làm mất mỹ quan đô thị trên địa bàn.

Tình trạng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để kinh doanh ở phố Lê Lai.

Chia sẻ với chúng tôi về tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, một số người dân tại phường Mộ Lao cho biết, tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, buôn bán trên tuyến đường Nguyễn Văn Lộc không chỉ diễn ra ban ngày, mà cả ban đêm. Thậm chí, nhiều cửa hàng kinh doanh ngay gần với trụ sở Công an phường, nhưng vẫn “thản nhiên” lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, vi phạm nghiêm trọng các quy định về đảm bảo trật tự đô thị. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến các phương tiện cũng như người đi bộ khi tham gia lưu thông trên đường.

Nhiều mặt hàng thực phẩm bày bán tràn lan trên vỉa hè, khu liền kề mới An Hưng.

Ngoài ra, tuyến phố nhỏ như phố Lê Lai thuộc phường Hà Cầu, dọc tuyến là chuỗi cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, các phương tiện vào sử dụng dịch vụ được chủ quán “hướng dẫn” để toàn bộ xe dưới lòng đường khiến con phố nhỏ vào buổi tối luôn trong tình trạng ùn tắc. “Dù là vỉa hè hay lòng đường thì chúng tôi cũng phải nhường nhau, chờ đợi từng tí một thì mới có lối đi”, một người dân tại khu vực bức xúc cho hay.

Tại KĐT Nam Cường, các nhà hàng tận dụng “triệt để” lòng đường, vỉa hè để kinh doanh.

Có thể thấy, sau khi thành phố Hà Nội có rất nhiều văn bản chỉ đạo để quyết liệt xử lý tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, trả lại mỹ quan đô thị thì tại rất nhiều tuyến đường, tuyến phố đã trở nên văn minh hơn, trật tự cũng được thiết lập một cách kỉ cương hơn.

Tuy nhiên, tại một số tuyến phố trên địa bàn quận Hà Đông, việc thực hiện chỉ như “cóc bỏ đĩa”; hay “dẹp chỗ này, lại bày chỗ kia”. Việc xử lí không sát sao khiến tình trạng vi phạm lại trở về thực trạng cũ, không khác gì hình thức “đánh trống bỏ dùi” đáng quan ngại mà các cấp, các nghành đã đề cập, nhắc nhở các đơn vị tránh mắc phải trong quá trình triển khai thực hiện.

CT2B, CT5,CT6 khu đô thị Văn Khê trở thành nơi để xe, kinh doanh buôn bán.

Trước vấn đề trên, nhiều ý kiến cho rằng, việc vỉa hè, lòng đường bị lấn chiếm để kinh doanh một mặt là do ý thức của người dân khi nhiều người tỏ ra “nhờn luật”, Thế nhưng, không ít ý kiến lại cho rằng, tình trạng này diễn ra là do các địa phương chưa kiên quyết, thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, khiến cho việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trở thành “vấn nạn” khó xử lý.

Các bãi xe có dấu hiệu không phép, không đảm bảo PCCC, ANTT thuộc phường Phúc La.

Thiết nghĩ, để xử lý triệt để tình trạng này, các Sở, ban, ngành ở mỗi địa phương cần phải triển khai theo chỉ đạo của thành phố một cách quyết liệt, nghiêm túc hơn. Thậm chí, nếu địa phương nào thường xuyên để xảy ra tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè thì cần phải xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu. Có như vậy, vỉa hè mới được trả lại cho người đi bộ, mỹ quan đô thị mới thực sự vào nề nếp, tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông đáng quan ngại sẽ thực sự được giảm bớt.