Thư Hai, ngày 12/05/2025 03:30 | HOTLINE : 0906.18.1357 | Email: bbt.giaothong360@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0906.18.1357
An toàn giao thông

‘Đặc sản’ leo vỉa hè giờ cao điểm tại Thủ đô

Duy Phương - 05:58 31/08/2023 GMT+7

Chạy xe máy lên trên vỉa hè vào các khung giờ cao điểm tại Hà Nội dường như được coi là giải pháp tối ưu của nhiều người dân sinh sống, làm việc ở thủ đô mỗi khi gặp cảnh ùn ứ, tắc đường.

Thói quen khó bỏ

Không quá khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc xe máy nối đuôi nhau thành hàng dài ngang nhiên chạy trên vỉa hè của các tuyến phố thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông vào khung giờ cao điểm tại Hà Nội. Thói quen xấu này được một số người điều khiển phương tiện cho là giải pháp tối ưu nhất để tránh tắc đường.

Trên thực tế, vỉa hè là một phần quan trọng trong cấu trúc không gian đô thị. Đó là không gian chuyển tiếp giữa nhà phố, đường phố và có chức năng rõ ràng. Theo quy định của pháp luật, vỉa hè là bộ phận của đường đô thị, phục vụ chủ yếu cho người đi bộ và kết hợp là nơi bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị dọc tuyến. 

Một số người dân ngang nhiên điều khiển xe máy đi trên vỉa hè để tránh ùn tắc giao thông.

Việc chạy xe máy lên vỉa hè là hành vi gây mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông cho người đi bộ và cả người điều khiển phương tiện. Hơn nữa, việc nhiều người cùng leo vỉa hè không giúp giảm thiểu ùn tắc giao thông, ngược lại còn gây ùn tắc ngay cả trên các khu vực vỉa hè, ảnh hưởng lớn tới cuộc sống dân sinh.

Theo ghi nhận của PV, thực trạng xe máy chạy tấp nập trên cả vỉa hè thường diễn ra vào khung giờ khoảng 7 - 9 giờ sáng và 17 - 19 giờ chiều tại các “điểm đen” về tắc đường tại thủ đô. Đặc biệt xảy ra nhiều tại các tuyến đường có điểm giao với trường học, các tòa nhà lớn có trụ sở, văn phòng của các công ty.

Vỉa hè tại các tuyến đường như Lê Văn Lương, Cầu Giấy, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Láng, Thái Hà, Chùa Bộc, Xã Đàn,... vào mỗi giờ cao điểm gần như không còn chỗ trống do nhiều xe máy, thậm chí cả ô tô cũng ghé bánh xe đi trên vỉa hè nhằm mục đích di chuyển nhanh hơn, né tránh cảnh ùn ứ cùng với đó là một số hàng quán bày bán và bãi đỗ xe máy lấn chiếm vỉa hè. 

Anh Nguyễn Văn N, 28 tuổi, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội, cho biết buổi sáng đi làm gặp cảnh tắc đường thì lựa chọn đầu tiên là đi lên vỉa hè. “Đường đi làm của tôi phải qua đoạn Lê Văn Lương, có khi tắc đến cả km nên tôi phải đi trên vỉa hè để đi làm đúng giờ, đây là cách tốt nhất rồi, đi lên vỉa hè có khi còn chưa chắc đã kịp”, anh N chia sẻ.

Còn với bà Nguyễn Thanh T, 62 tuổi, sinh sống tại khu vực Cầu Giấy thì xe máy đi trên vỉa hè như một nỗi ám ảnh mà bà phải đối mặt trên đường về nhà sau mỗi buổi đi tập thể dục. “Biết là vỉa hè dành cho người đi bộ nhưng thực tế vào khoảng 17h30 - 18 giờ tôi đi tập từ công viên Cầu Giấy về thì phải đi bộ luồn lách, len lỏi trên vỉa hè mất rất nhiều thời gian mới về được nhà”, bà T nói.

Xe máy nối đuôi nhau đi trên vỉa hè như một làn đường riêng.

Thói quen gặp cảnh tắc đường, ùn ứ là đi xe lên vỉa hè với mong muốn di chuyển nhanh hơn của nhiều người vô hình chung biến vỉa hè tại thủ đô thành một làn đường riêng phục vụ cho nhiều người có thói quen xấu.

Rủi ro mất an toàn giao thông, mất mỹ quan đô thị

Mặc dù việc chạy xe máy lên vỉa hè vào mỗi giờ cao điểm để tránh ùn tắc là hành vi vi phạm quy định của pháp luật và có mức xử phạt quy định rõ ràng. Thế nhưng nhiều người dân vẫn bất chấp “leo vỉa hè” để phục vụ nhu cầu cá nhân và tạo ra hình ảnh không đẹp trong văn hóa giao thông của người dân thủ đô, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông đường bộ.

Phương pháp giảm thiểu tình trạng xe máy đi lại tấp nập trên vỉa hè vào giờ cao điểm vẫn luôn là điểm nóng được các đơn vị chức năng, các cấp lãnh đạo TP Hà Nội quan tâm. Rất nhiều các rào chắn, barie cứng, mềm được thiết lập tại một số vỉa hè tại Hà Nội nhằm giảm thiểu tình trạng trên. Tuy nhiên nhiều người dân với thói quen thấy tắc đường là đi lên vỉa hè vẫn tìm mọi cách để lách qua hoặc lao lên vỉa hè tại những đoạn không có vật cản.

Người dân bất chấp leo lên vỉa hè dù cho chỉ có một lối đi hẹp.

Thực tế đã ghi nhận nhiều trường hợp xe máy chạy trên vỉa hè do thiếu quan sát tại những đoạn đường đông dân cư đi lại dẫn tới va chạm với người đi bộ. Dù cho chưa có vụ tai nạn nào để lại hệ quả quá nghiêm trọng, nhưng cũng chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho nhiều người dân có thói quen đi xe máy lên vỉa hè vào những giờ cao điểm. Khi xảy ra va chạm, thời gian là yếu tố đầu tiên người điều khiển phương tiện và người đi bộ phải tiêu tốn.

Các hàng gạch đá lát vỉa hè tại thủ đô cũng phải ngày ngày gồng mình gánh chịu hàng dài xe máy mỗi ngày. Được cho là có tuổi thọ kéo dài từ 50 đến 70 năm, thế nhưng nhiều gạch đá lát vỉa hè trên một số tuyến phố xuất hiện tình trạng nứt vỡ, bong tróc chỉ sau ít năm sử dụng.

Gạch đá lát vỉa hè nứt vỡ vì quá nhiều xe cộ lưu thông qua giờ cao điểm.

Anh Lê Xuân P, 26 tuổi, trú tại Mỹ Đình cho biết việc đi lên vỉa hè chỉ là "hạ sách" khi lòng đường đang bị ùn ứ quá lâu bởi nhiều phương tiện đổ ra đường vào cùng thời điểm. Biết là vi phạm quy định về an toàn giao thông, đi lấn vào phần đường dành cho người đi bộ nhưng nếu cứ chôn chân dưới lòng đường không biết bao giờ mới đến được công ty.

Bởi vậy, để thay đổi thực trạng đi xe máy lên vỉa hè, lấn chiếm vỉa hè dành cho người đi bộ, đòi hỏi người dân phải thay đổi suy nghĩ và nhận thức về hệ lụy của việc leo vỉa hè. Kết hợp cùng các phương pháp xử phạt răn đe, của lực lượng chức năng. Tạo nên hình ảnh văn hóa giao thông đô thị đẹp tại thủ đô Hà Nội trong mắt người dân cả nước và du khách nước ngoài.

Theo quy định Nghị định 100/2019/NĐ-CP về mức phạt cụ thể với hành vi vi phạm đi trên vỉa hè cụ thể như sau:

Tại điểm G Khoản 3 Điều 6, đối với xe máy đi trên vỉa hè, người điều khiển xe máy không đi bên phải theo chiều đi của mình, đi không đúng phần đường và làn đường quy định, đi trên hè phố (trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà) sẽ bị phạt tiền từ 400 – 600 nghìn đồng, mức phạt trước đây chỉ là từ 300 – 400 nghìn đồng.

Trong trường hợp không có biển báo cấm đi ngược chiều trên vỉa hè, người điều khiển xe đi ngược chiều trên vỉa hè sẽ bị xử phạt lỗi đi xe trên hè phố chứ không mắc lỗi đi ngược chiều.