Thứ Tư, ngày 07/05/2025 06:56 | HOTLINE : 0906.18.1357 | Email: bbt.giaothong360@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0906.18.1357
Xây dựng giao thông

Thanh Hóa: Thi công tuyến đường từ KCN Bỉm Sơn đến đoạn Nga Sơn – Hoằng Hóa vẫn gặp khó khăn

Lưu Thắm - 12:51 01/06/2023 GMT+7

Theo báo cáo của Ban quản lý đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa, đến ngày 23/5, tuyến đường từ KCN Bỉm Sơn đến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn – Hoằng Hóa với chiều dài thực tế 16,442km đi qua 03 địa phương (thị xã Bỉm Sơn, huyện Hà Trung, huyện Nga Sơn) vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

 Dự án đường giao thông với chiều dài 16,442km, từ Khu công nghiệp Bỉm Sơn đến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-UBND ngày 05/02/2021, Công trình giao thông cấp II với Tổng mức đầu tư 900 tỷ.

Đến nay, công tác bồi thường GPMB đã bàn giao cho Chủ đầu tư 9,577km/16,442km (đạt 58,25%). Trong đó, thị xã Bỉm Sơn với chiều dài 2,25km đã cơ bản bàn giao mặt bằng 2,15km/2,25km; huyện Hà Trung (từ Km2+250-Km3+677 dài 1,427 km) đã hoàn thành công tác bồi thường GPMB; huyện Nga Sơn (từ Km3+677-Km18+807): qua địa phận 08 xã, chiều dài thực tế là 12,765km, số hộ có đất phải thu hồi GPMB 765 hộ; về công tác đầu tư xây dựng 04 khu TĐC (Nga Tân 01 khu, Nga Thanh 02 khu, Nga Yên 01 khu.

Thi công cầu Lạch Trường Lý Trình

Hiện các nhà thầu đang triển khai 07 mũi thi công trên các tuyến đã được bàn giao mặt bằng. Giá trị thực hiện đến nay khoảng 139,26 tỷ đồng/572,51 tỷ đồng (đạt 24,32%, chậm 22,14% so với tiến độ hợp đồng), trong đó nhà thầu chính là Công ty cổ phần kinh doanh và xây dựng Trường Phúc, đến nay đã bàn giao mặt bằng 6,334km/7,123km ( đạt 89%);

Công ty cổ phần xây dựng Cầu Thanh Hóa và các nhà thầu phụ: đang thi công 04/04 cầu, giá trị thực hiện khoảng 84,18/129,48 tỷ đồng (đạt 65,0%, vượt 17,62% so với hợp đồng); Công ty cổ phần Tân Thành (Nhà thầu phụ Công ty TNHH tư vấn và ĐTXD Khánh Linh): đã nhận mặt bằng 1,31/3,03km (đoạn Km7+589-Km8+300 và Km8+500-Km9+00) ngày 19/4/2023 nhưng đến nay chưa triển khai thi công;

Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Xuân Hưng và nhà thầu phụ Công ty CP ĐTXD và TM Huy Hoàn: giá trị thực hiện 9,88/114,56tỷ đồng (đạt 8,6%, chậm 38% so với hợp đồng). Như vậy các nhà thầu cơ bản không đảm bảo tiến độ theo cam kết (trừ công ty Trường Sơn), đặc biệt là Công ty cổ phần kinh doanh và xây dựng Trường Phúc, nhà thầu phụ Công ty TNHH tư vấn và ĐTXD Khánh Linh hiện nay đã dừng việc thi công nền đường.

Lãnh đạo tỉnh đi kiểm tra tiến độ thi công công trình

Đồng chí Tạ Mạnh Cường, Phó Giám đốc Công ty cổ phần kinh doanh và xây dựng Trường Phúc, cho biết: “Trong quá trình thi công đối với dự án đường Khu công nghiệp Bỉm Sơn đến đường ven biển vướng mắc lớn nhất là vật liệu xây dựng giữa thông báo giá của tỉnh với đơn giá thực tế trên thị trường nó không khớp nhau, bị chênh lệch; về nguồn vật liệu cát, đất đắp khan hiếm. Dẫn đến việc triển khai thi công của các nhà thầu để đảm bảo tiến độ giải ngân của dự án gặp rất nhiều khó khăn”.

Cũng theo báo cáo của Ban Quản lý đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa, Vốn đã giao cho Sở GTVT là 452,832 tỷ đồng (năm 2021 là 34,5 tỷ đồng, năm 2022 là 238,332 tỷ đồng, năm 2023 là 180 tỷ đồng); giải ngân 260,43 tỷ đồng (năm 2023 giải ngân 11,919 tỷ đồng); còn lại 192,402 tỷ đồng (bao gồm 24,321 tỷ đồng vốn năm 2022 đã đề xuất kéo dài sang năm 2023).

Đồng chí Trần Đức Trọng, Phó Giám đốc Ban quản lý đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa, cho biết: “Dự án đường giao thông từ Khu công nghiệp Bỉm Sơn đến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn đang còn một số chưa bàn giao và giải phóng được chủ yếu là đất ở, đất lúa, đất trang trại hiện nay còn đoạn cuối tuyến chưa giải phóng được, một số nhà thầu đang dừng thi công về phần đường vì không có vật liệu cát và đất đắp, còn các đơn vị thi công cầu thì đang vượt tiến độ”.

Theo Phó Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình Giao Thông, Ban đã đề nghị các địa phương khẩn trương giải quyết dứt điểm các vướng mắc về GPMB để sớm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công. Đồng thời, tiếp tục đề nghị thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn cung vật liệu, nhất là cát và đất đắp, kiểm soát giá vật liệu xây dựng. Liên Sở Xây dựng - Tài chính tổ chức, khảo sát và công bố thông tin giá VLXD đảm bảo đầy đủ và sát với giá thị trường;

Sở Giao thông vận tải tiếp tục làm việc với các ngành và các chủ mỏ để khảo sát, đánh giá và đề xuất phương án cung cấp vật liệu đất đắp đảm bảo tiến độ thi công dự án; Yêu cầu các nhà thầu công phần đường phải khắc phục khó khăn, chủ động nguồn vật liệu để triển khai thi công. Nếu nhà thầu nào không thực hiện đề nghị xử lý nghiêm theo quy định hợp đồng (cảnh cáo, bổ sung nhà thầu khác hoặc chấm dứt hợp đồng).

Ban quản lý đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa cũng yêu cầu tư vấn giám sát dự án bố trí đủ nhân lực, nâng cao tinh thần trách nhiệm, bám sát hiện trường để giám sát bảo đảm chất lượng, vệ sinh môi trường, an toàn lao động.