Thứ Sáu, ngày 25/04/2025 15:52 | HOTLINE : 0906.18.1357 | Email: bbt.giaothong360@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0906.18.1357
Xây dựng giao thông

Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 "chật vật" vì thiếu vật liệu và mặt bằng

Nguyễn Luận - 07:00 18/10/2023 GMT+7

Theo báo cáo của Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), có 8/12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đang chậm tiến độ so với kế hoạch. Nếu không sớm được giải quyết nút thắt về giải phóng mặt bằng và nguồn vật liệu, các dự án khó "về đích" đúng hạn.

"Nút thắt" giải phóng mặt bằng và bài toán thiếu vật liệu

Tại văn bản báo cáo Quốc hội về tình hình triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2), Bộ GTVT cho biết, tính đến cuối tháng 9/2023, giá trị hoàn thành dự án đạt hơn 9.300 tỷ đồng, đạt gần 10% giá trị các hợp đồng, cơ bản bám sát kế hoạch đề ra.

Cao tốc Bắc-Nam vẫn thiếu vật liệu.

Trên toàn dự án, các nhà thầu đã huy động hơn 5.500 thiết bị máy móc, gần 12.800 nhân sự thi công, hơn 330 tư vấn giám sát, tổ chức 567 mũi thi công, gồm: 278 mũi thi công cầu, 279 mũi thi công đường, hầm chui dân sinh và một số công trình trên tuyến.

Về công tác GPMB, tính đến ngày 10/9, diện tích mặt bằng đã được bàn giao đạt hơn 657 km, đạt khoảng 91%. Tuy nhiên, mặt bằng có thể thi công mới đạt hơn 600 km, đạt 84%.

Nhiều dự án cao tốc Bắc - Nam nguy cơ chậm tiến độ.

Phục vụ GPMB thi công dự án, có 41.290 hộ dân có đất phải thu hồi. Trong đó, hơn 5.800 hộ phải bố trí tái định cư tại 150 khu tái định cư (147 khu xây mới, 3 khu đã có sẵn). Hiện nay, các địa phương đã hoàn thành 56 khu tái định cư, đang triển khai thi công 91 khu, dự kiến đến hết năm 2023 sẽ hoàn thành.

"Đối với công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, các địa phương đang triển khai thi công di dời 77/143 vị trí đường điện cao thế 220 - 500 kV; triển khai di dời 562/1.531 vị trí, hoàn thành 257/562 vị trí đường dây 110 kV và đường dây trung, hạ thế", Bộ GTVT thông tin.

Bộ GTVT cho biết, đối với 10 dự án thành phần từ Hà Tĩnh đến Khánh Hoà, tổng nhu cầu vật liệu đá cần gần 18 triệu m3 lấy từ 90 mỏ đang khai thác (tổng trữ lượng gần 168 triệu m3), tổng công suất khai thác gần 10,5 triệu m3/năm.

Khả năng cung ứng của các mỏ đang khai thác đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, trữ lượng. Song, một số mỏ vẫn nâng công suất khai thác để đáp ứng tiến độ thi công khi các dự án thành phần triển khai đồng loạt tại một thời điểm.

Về vật liệu cát, tổng nhu cầu cho các dự án khoảng gần 10 triệu m3. Trong đó, khoảng 4,74 triệu m3 được sử dụng từ 77 mỏ đang khai thác với trữ lượng hơn 10 triệu m3. Hồ sơ mỏ vật liệu của dự án đã xác định cần khai thác 4,72 triệu m3 được sử dụng từ 14 mỏ chưa khai thác có tổng trữ lượng gần 12 triệu m3.

Với vật liệu đất, theo tính toán, nhu cầu của 10 dự án thành phần là gần 50 triệu m3. Trong đó, khoảng 2,7 triệu m3 được sử dụng từ 21 mỏ đang khai thác, tổng trữ lượng hơn 10 triệu m3. Hồ sơ mỏ vật liệu đã xác định cần khai thác gần 47 triệu m3 từ 74 mỏ chưa khai thác có tổng trữ lượng hơn 64 triệu m3.

Vướng mắc về giải phóng mặt bằng ảnh hưởng tới quá trình thi công.

Theo báo cáo, tỉnh An Giang đã thống nhất bố trí cho dự án 3,3 triệu m3 (nhu cầu năm 2023).

Trong đó đã có quyết định giao 1,1 triệu m3 từ 4 mỏ đang khai thác. Nhà thầu đã ký hợp đồng với 2/4 mỏ. Tuy nhiên, từ cuối tháng 7/2023 đến nay đã tạm dừng do 1 mỏ tỉnh thu hồi giấy phép, 1 mỏ doanh nghiệp bị khởi tố, điều tra. Trong 2 mỏ chưa ký hợp đồng, có 1 mỏ tỉnh đã thu hồi giấy phép, 1 mỏ chưa thể cung cấp.

Với 2,2 triệu m2 còn lại dự kiến bố trí từ 5 mỏ đang khai thác, hiện đang triển khai thủ tục. Đối với 3,7 triệu m3 nhu cầu năm 2024, UBND tỉnh đang xem xét phương án cung cấp.

Tại tỉnh Đồng Tháp đã thống nhất bố trí đủ cho dự án 7 triệu m3. Trong đó, dự án đã lấy được gần 0,4 triệu m3. Với khối lượng còn lại, nhà thầu đã được giao 6 mỏ với tổng trữ lượng có thể khai thác là hơn 3 triệu m3. Riêng năm 2023 dự kiến khai thác được gần 2 triệu m3.

Khẩn trương hoàn thiện thủ tục khai thác mỏ vật liệu làm cao tốc Bắc - Nam

Thủ tục xin cấp phép và giao mỏ vật liệu phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 theo chỉ đạo của Chính phủ đang được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chỉ đạo nhà thầu phối hợp với các bên liên quan tích cực thực hiện.

Chính phủ chỉ đạo ưu tiên cát đắp nền cho cao tốc.

Nhằm đáp ứng tiến độ triển khai dự án, Cục Quản lý đầu tư xây dựng đề nghị các ban, nhà thầu phối hợp với các địa phương sớm hoàn thiện các thủ tục xác nhận Bản đăng ký khối lượng khai thác 3 mỏ cát (đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn), 18 mỏ đất đã trình nhưng chưa được xác nhận trong nửa đầu tháng 10/2023 (đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Chí Thạnh - Vân Phong).

Đồng thời, thỏa thuận với chủ sở hữu mỏ để có thể khai thác 6 mỏ cát (đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong), 21 mỏ đất đã được xác nhận Bản đăng ký khối lượng (các đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vạn Ninh - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong) để sớm có thể khai thác các mỏ.

"Các chủ đầu tư, nhà thầu cần tiếp tục khảo sát, đưa thêm các mỏ mở mới vào hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án nếu có nhu cầu và hoàn thành thủ tục với các mỏ còn lại chậm nhất trong tháng 10/2023", đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết.