Thứ Sáu, ngày 25/04/2025 16:01 | HOTLINE : 0906.18.1357 | Email: bbt.giaothong360@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0906.18.1357
Khí hậu

Nắng nóng nhiều hơn, bão ít nhưng khó dự đoán hơn mọi năm

Thu Cúc - 08:37 12/05/2023 GMT+7

Mùa hè năm nay đến sớm hơn mọi năm. Cao điểm của nắng nóng dự báo sẽ là trong tháng 6-7 ở Bắc Bộ, tháng 6-8 ở Trung Bộ. Nam Bộ nắng nóng có thể sẽ suy giảm dần ở từ khoảng giữa tháng 5. Do El Nino nên số lượng, cường độ bão, áp thấp nhiệt đới năm nay sẽ ít hơn giai đoạn 2020-2022.

Nắng nóng nhiều hơn, bão ít nhưng khó dự đoán hơn mọi năm - Ảnh 1.

Dự báo nền nhiệt trung bình năm 2023 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5-1,0 độ C

 Nắng nóng gay gắt và kéo dài hơn 2022

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm nhận định, dự báo nền nhiệt trung bình năm 2023 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 0,5-1 độ C. 

Thông thường, một đợt nắng nóng sẽ diễn ra khoảng 3-5 ngày, thì năm nay có thể sẽ dài hơn, khoảng 5-7 ngày, riêng khu vực Trung Bộ có thể kéo dài hơn. Khả năng cao xảy ra nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt.

Trong mỗi đợt nắng nóng, nhiệt độ cao nhất ở miền Bắc khoảng 37-38 độ C; ở miền Trung khoảng 37-39 độ C, có nơi cao hơn từ 40-42 độ C. Dự báo tháng 5, 6, nhiệt độ cả nước xấp xỉ cho tới nóng hơn TBNN khoảng 1 độ C.

Cao điểm của nắng nóng dự báo sẽ là trong tháng 6-7 ở Bắc Bộ, tháng 6-8 ở Trung Bộ, trong khi đó khu vực Nam Bộ nắng nóng có thể sẽ suy giảm dần ở từ khoảng giữa tháng 5.

Lý giải nguyên nhân mùa hè năm nay đến sớm hơn mọi năm, ngay từ những ngày cuối tháng 3, Hòa Bình, Sơn La đã ghi nhận mức nhiệt trên 38 độ C, ông Mai Văn Khiêm cho biết, có nhiều nguyên nhân, trước hết, năm nay do áp thấp nóng phía Tây (một trong những hệ thống thời tiết gây nắng nóng) phát triển sớm và mạnh, nên hiện tượng nắng nóng diện rộng đã xảy ra sớm và gay gắt ở Bắc Bộ và Trung Bộ.

Đặc biệt, những giá trị nhiệt độ cực đoan, vượt giá trị lịch sử đã được thiết lập với nhiệt độ cao nhất tuyệt đối đo được trong lều khí tượng tại trạm Tương Dương (Nghệ An) ngày 7/5 là 44,2 độ C (vượt giá trị cao nhất lịch sử tại Hương Khê là 43,4 năm 2019 và vượt cả giá trị lịch sử mới được thiết lập trước đó tại Hồi Xuân là 44,1 vào ngày 6/5/2023).

Bên cạnh đó, năm nay dự báo toàn cầu tiếp tục là năm thứ 10 liên tiếp có nhiệt độ tăng cao có với thời kỳ tiền công nghiệp do tác động của biến đổi khí hậu. Đồng thời, hiện tượng El Nino (pha nóng) đang dần được thiết lập cũng là nguyên nhân gây ra những giá trị kỷ lục về nhiệt độ tuyệt đối ngày.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cũng cảnh báo, nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư; nguy cơ cao cháy rừng ở các khu vực có khô hạn và nắng nóng kéo dài.

Ngoài ra, nắng nóng còn kèm theo tia cực tím cao, nguy hiểm cho cơ thể, gây ra tình trạng ung thư da, mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ và tia UV cao. Do vậy, người dân cần hạn chế tham gia giao thông, lao động ngoài trời vào thời điểm từ 11-16h hàng ngày, đồng thời cần bổ sung đủ nước uống và chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Số lượng, cường độ bão ít hơn các năm trước

Theo ông Mai Văn Khiêm, hiện tượng El Nino (pha nóng) có thể xuất hiện vào nửa cuối năm 2023 và duy trì đến năm 2024 với xác suất khoảng 70-80%. Dự báo khả năng thiếu hụt nguồn nước ở hầu hết các khu vực trong giai đoạn từ nay đến cuối năm 2023. Đặc biệt, đối với các hồ chứa lớn trên bậc thang thủy điện sông Đà do nguồn nước ngoài lãnh thổ có xu hướng thấp hơn TBNN kết hợp khả năng thiếu hụt lượng mưa trong giai đoạn từ nay đến cuối năm nên có nguy cơ ảnh hưởng đến cấp nước hạ du và an ninh năng lượng.

Nắng nóng nhiều hơn, bão ít nhưng khó dự đoán hơn mọi năm - Ảnh 2.

Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm

Mưa ở miền Bắc có xu hướng thấp hơn TBNN, ít khả năng mưa to vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 như năm 2022. 

Miền Trung lượng mưa lại có xu hướng thiếu hụt so với TBNN và có thể kéo dài sang đầu năm 2024.

 Tây Nguyên và Nam Bộ tổng lượng mưa dự báo xấp xỉ đến cao hơn TBNN trong các tháng 6 đến 9, từ tháng 10 đến hết năm có xu hướng thiếu.

Tại khu vực Trung Bộ, lượng mưa có xu hướng xấp xỉ đến cao hơn so với trung bình trong giai đoạn tháng 7-9/2023; tuy nhiên, từ tháng 10-12/2023 (thời điểm chính của mùa mưa tại Trung Bộ), lượng mưa lại có xu hướng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm tại khu vực này. Xu hướng thiếu hụt mưa có thể kéo dài sang đầu năm 2024.

Từ nay đến tháng 8 có khả năng xảy ra khô hạn, thiếu nước cục bộ ngoài vùng cấp nước của các công trình thủy lợi tại Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Ninh Thuận, Bình Thuận và Tây Nguyên.

Ông Mai Văn Khiêm gia lưu ý, mặc dù trong điều kiện El Nino, lượng mưa có xu thể giảm nhưng có thể xuất hiện những kỷ lục về lượng mưa lớn nhất trong 24h.

Nguy cơ cao xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn tại khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, trong các tháng mùa khô năm 2023, cần đề phòng tình trạng ít mưa dẫn đến tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước trong những tháng đầu năm 2024 trên phạm vi toàn quốc.

Về bão và áp thấp nhiệt đới, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông năm nay có khả năng thấp hơn đến xấp xỉ TBNN (TBNN khoảng 12-13 trên Biển Đông và 5-6 cơn ảnh hưởng đến đất liền). Bão hoạt động nhiều hơn trên Biển Đông vào giữa mùa bão (tháng 8-10) giảm dần từ tháng 11; cần đề phòng những cơn bão có diễn biến phức tạp cả về quỹ đạo cũng như cường độ.

Dự báo từ sớm, từ xa

Theo ông Mai Văn Khiêm, với xu thế khí tượng thủy văn và thiên tai năm 2023 như trên, việc dự báo là rất quan trọng, giúp cho các cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp có thể tham khảo thông tin, chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó theo đặc thù ở địa phương, khu vực góp phần giảm thiểu tổn thất.

"Bên cạnh việc tiếp tục triển khai các phương án dự báo đã mang lại nhiều hiệu quả trong những năm qua, trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chú trọng tăng cường công tác dự báo, cảnh báo sớm, dài hạn với các mục tiêu cụ thể là tăng thời hạn dự báo, ban hành bản tin sớm hơn để các cơ quan phòng chống thiên tai và người dân có thêm thời gian chuẩn bị, thời gian xây dựng kế hoạch sớm ứng phó thiên tai, đặc biệt để giám sát và dự báo tình hình El Nino và nguồn nước năm nay và năm 2024", ông Mai Văn Khiêm cho biết.

Bên cạnh đó, cơ quan dự báo cũng bổ sung các công cụ, phương án dự báo để tăng thời hạn dự báo thời tiết, cảnh báo sớm thiên tai tới 10 ngày; nâng dự báo bão/áp thấp nhiệt đới lên 3 ngày, cảnh báo 5 ngày. Dự báo, cảnh báo mưa lớn diện rộng trước 2-3 ngày. Không chỉ tăng hạn dự báo, thời điểm phát tin cũng sớm hơn.

Mặt khác, cơ quan dự báo cũng thực hiện tăng cường giám sát và cảnh báo dông, mưa lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất thời gian thực.

"Thời gian tới, chúng tôi sẽ chú trọng tăng cường các trao đổi hợp tác quốc tế trong dự báo. Ví dụ khi bão vào gần bờ chúng ta có yêu cầu cơ quan khí tượng Nhật Bản tăng cường quan trắc vệ tinh khí tượng với tần suất 2,5 phút/lần và chụp sát với vùng Việt Nam hơn. Đồng thời, tăng cường các quan trắc radar và trạm ven bờ khi bão có khả năng ảnh hưởng. Điều này cho phép chúng ta có các dự báo độ tin cậy cao trước 24 giờ khi bão đổ bộ", ông Mai Văn Khiêm khẳng định. 

  • Bình Định: Hướng đến phát triển cảng biển không rác thải nhựa

    Bình Định không chỉ nổi tiếng với những bãi biển hoang sơ mà còn là địa phương có nhiều cảng cá quan trọng phục vụ đánh bắt và vận chuyển hải sản. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa tại các cảng biển vẫn luôn là thách thức lớn. Hiện nay, tỉnh đang đẩy mạnh các giải pháp nhằm hướng đến cảng biển sạch, không rác thải nhựa, với sự tham gia tích cực của ngư dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương.
  • Đà Nẵng: Lợi dụng vận chuyển đất san lấp dự án đem bán trái phép cho nhà máy gạch

    Một doanh nghiệp đã lợi dụng việc được cấp phép khai thác và vận chuyển đất san lấp cho các Dự án (DA) trên địa bàn huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng để chở hàng nghìn khối đất đi bán trái phép cho nhà máy sản xuất gạch. Sự việc đã diễn ra trong thời gian dài, tuy nhiên chưa thấy cơ quan chức năng nào vào cuộc.
  • Thời tiết bất thường trở thành mối lo ngại toàn cầu

    Trong những năm gần đây, hiện tượng thời tiết cực đoan và bất thường ngày càng gia tăng trên toàn cầu, gây ra những tác động sâu rộng đối với môi trường, xã hội và kinh tế. Từ các đợt nắng nóng gay gắt, bão lũ khốc liệt đến mùa đông lạnh giá bất thường, biến đổi khí hậu đã và đang trở thành một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất của nhân loại. Vậy, đâu là nguyên nhân và hậu quả của sự thay đổi này?
  • Hà Nội: Tràn lan bãi xe, bãi đổ trộm phế thải tại phường Kiến Hưng

    Ngang nhiên san lấp phế thải lên đất nông nghiệp gây ô nhiễm môi trường, kéo theo đó là bãi vật liệu xây dựng, bãi xe không phép, trái phép mọc lên, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông và phòng cháy chữa cháy là thực trạng đang diễn ra tại phường Kiến Hưng (quận Hà Đông). Mặc dù chính quyền sở tại nắm rõ vi phạm, thế nhưng việc xử lý dường như mới chỉ dừng trên giấy tờ.
  • Xã Yên Viên (Gia Lâm): Hàng trăm nghìn m2 đất ven sông Đuống đang bị sử dụng trái phép?

    Nhiều năm qua, tại khu vực đất bãi bồi ven sông Đuống, thuộc xã Yên Viên (huyện Gia Lâm, Hà Nội), hàng nghìn mét vuông đất bãi bồi đã bị “biến tướng” thành bãi tập kết cát, than, bãi xe và xây dựng nhà xưởng trái phép… Điều đáng nói, dù vi phạm diễn ra nhiều năm, nhưng chính quyền sở tại dường như đang “bất lực” trước vi phạm đất đai?
  • Sản phẩm mỹ nghệ thân thiện môi trường từ sợi chuối

    Chuối là cây trồng truyền thống rất đỗi quen thuộc ở các vùng nông thôn của Việt Nam. Từ lâu nay, chuối thường chỉ được trồng để lấy quả, còn thân cây chuối sau khi thu hoạch hầu hết bị thải loại. Nhưng nhờ sự sáng tạo trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm từ các nước, nghệ nhân làng nghề đã chế biến thân cây chuối thành sợi để sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, đồ gia dụng thân thiện với môi trường, mang lại giá trị kinh tế cao.
  • Phương pháp xử lý dầu tràn trên biển để giảm thiểu ô nhiễm môi trường

    Cùng với đất liền, vùng biển Việt Nam là một khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên, là ngư trường giàu có nuôi sống hàng triệu ngư dân và gia đình từ bao đời qua, là một vùng kinh tế nhiều thập kỷ phát triển năng động. Do vậy, song song với khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên biển Đông thuộc chủ quyền để phát triển đất nước, chúng ta cần chuẩn bị ứng phó kịp thời với các sự cố môi trường xảy ra trên biển như tràn dầu, tràn đổ hóa chất độc hại, hàng nguy hiểm… đặc biệt là tại các vùng bờ - nơi các cộng đồng dân cư sinh sống, có đa dạng sinh học với mật độ cao.
  • Ấn tượng những bức ảnh về rác thải nhựa đại dương

    Ô nhiễm rác thải nhựa là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với môi trường biển và đại dương trên toàn thế giới. Việc lạm dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi nilon khó phân hủy đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường. Dưới đây là những bức hình ấn tượng về ô nhiễm rác thải nhựa đại dương.
  • Tính toán phương án kiểm định khí thải với xe máy

    Việc kiểm định khí thải xe máy là một trong những nội dung được quy định tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định này đang được nghiên cứu, tính toán.